Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Ðưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các trường học tại Việt Nam là một mục tiêu khả thi nhưng đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực từ nhiều phía.

Để đạt được điều này, cần tập trung cải thiện chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp học và tạo ra môi trường thực hành tiếng Anh đa dạng, hấp dẫn. 

Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ðưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - 1
Ðưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Trong đó, Kết luận 91 nhấn mạnh một nội dung quan trọng là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Từ trước đến nay, tại Việt Nam, tiếng Anh là một môn học quan trọng và được sử dụng trong nhiều kỳ thi như thi lên cấp 3, vào đại học; tuy nhiên, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một chủ trương rất mới, thể hiện sự quyết liệt đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một ngôn ngữ được coi là ngôn ngữ thứ hai khi nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, học tập, công việc và giao tiếp chính thức.

Sự khác biệt cơ bản giữa tiếng Anh là một ngoại ngữ và tiếng Anh khi là ngôn ngữ thứ hai nằm ở mức độ, trình độ sử dụng và tầm quan trọng của nó trong đời sống xã hội, hoạt động hành chính.

Làm thế nào để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

Theo GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn khó khăn.

Tuy nhiên, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Phát biểu tại tọa đàm “Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?” ngày 26/9/2024, GS.TS Trần Văn Nhung nhấn mạnh: “Toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó, chiến lược thành hay bại phụ thuộc vào việc thực hiện ở các vùng khó thế nào.

Đơn cử, ở thành phố lớn như Hà Nội, tiếng Anh có thể được xem là ngôn ngữ thứ hai tại trường học, nhưng ở các tỉnh vùng cao, vùng khó, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tiếng Việt còn chưa thạo nên đầu tiên phải học tiếng Việt, sau đó đến tiếng dân tộc của họ, tiếng Anh đứng ở vị trí thứ ba”.

Theo GS.TS Trần Văn Nhung, chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục.

Ðưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - 2
Cô giáo Hà Ánh Phượng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao. (Ảnh: Việt Phương).

Chương trình quốc gia về từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, muốn phát triển được, phải có người đi trước. Ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng phải cần người đi trước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khuyến nghị, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Mặt khác, cần có sự phân tầng và những chính sách để các nơi có thể “tự thân vận động”. 

Còn tại Hội thảo bàn giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học tại TPHCM diễn ra ngày 11/10/2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã đưa ra 4 giải pháp: Một là xây dựng môi trường, khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Anh mỗi ngày.

Hai là đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế.

Ba là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh và các môn khác để đáp ứng yêu cầu dạy học trong môi trường hội nhập quốc tế. 

Bốn là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi các nước đã thành công trong phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và các nước có nền giáo dục phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, 4 giải pháp trên xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế. Nhiều nước đã thành công trong đào tạo song ngữ, tạo thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc và hội nhập quốc tế.

Thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, nhiều trường công lập ở Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Quảng Ninh... đang dạy thử nghiệm Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Chương trình đem lại những kết quả đáng khích lệ.

Trong nhiều năm qua, TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá như chương trình tăng cường tiếng Anh; chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” thuộc Đề án 5695; mô hình trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Kết quả khả quan của Đề án 5695 cho thấy, TPHCM hoàn toàn có thể triển khai thực hiện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo cấp độ cao nhất của mô hình trên (triển khai một cách toàn diện) ở một số trường.

Từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, Trường THCS Minh Đức, quận 1, TPHCM chính thức để giáo viên người Việt dạy các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý bằng tiếng Anh. Các lớp học được lựa chọn dạy các môn học bằng tiếng Anh sẽ là những lớp tăng cường tiếng Anh hoặc lớp thường, không phải lớp tích hợp. 

Thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các trường xây dựng và phát triển môi trường thực hành giao tiếp trong từng bài giảng của môn tiếng Anh.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết: “Nhằm bảo đảm giảng dạy chuẩn kiến thức, rèn kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho học sinh, các trường học không chỉ tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy học mà còn linh hoạt lồng ghép nhiều hoạt động giáo dục bổ ích trong bộ môn tiếng Anh như: Chương trình giao lưu đọc, viết tiếng Anh theo chủ đề tiết học giữa các khối lớp; chơi trò chơi để phát huy khả năng nói, tự làm clip hội thoại tiếng Anh”.

Ở nhiều trường, việc tăng cường tiếng Anh cho học sinh còn được thực hiện thông qua một số môn học, tiết học dạy song ngữ, nhất là các môn khoa học tự nhiên để các em có thể tiếp cận với kiến thức mới và tự nghiên cứu tài liệu trực tuyến.

Mới đây, Trường THPT Chuyên Bắc Giang dạy một số tiết Vật lí, Sinh học, Hóa học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhờ đó kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu của học sinh được cải thiện hơn nhiều.

Phương Anh

Ấn phẩm Vì trẻ em số 1

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...