Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy-học, giúp các em tự tin sử dụng ngoại ngữ.
Sử dụng phương pháp dạy dễ nhớ, thiết kế hoạt động sinh động

Đây là biện pháp rất hiệu quả trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với mặt bằng chung về trình độ tiếng Anh không cao, học sinh thường thiếu tinh thần chủ động và tích cực trong học tập. Do đó, giáo viên cần tìm ra những quy tắc giúp học sinh dễ ghi nhớ từ vựng và bài học.
Trong bài giảng, giáo viên nên khéo léo lồng ghép các câu vè, hình ảnh minh họa, hoặc những điểm tương đồng về âm thanh giữa tiếng Việt và tiếng Anh để kích thích hứng thú của học sinh. Đầu giờ học, giáo viên có thể dành vài phút để học sinh thực hành giao tiếp tiếng Anh theo nhóm hoặc cặp đôi, tạo môi trường học tập vui nhộn, thoải mái.
Phân tích kết quả học tập, hỗ trợ học sinh yếu kém
Giáo viên cần nắm chắc năng lực, trình độ của từng học sinh để hỗ trợ phù hợp, giúp các em cải thiện dần và đáp ứng yêu cầu chung của lớp học. Sau mỗi kỳ kiểm tra, cần phân tích kết quả học tập để so sánh giữa các học sinh trong lớp, từ đó đưa ra biện pháp bồi dưỡng hợp lý.
Bên cạnh đó, giáo viên cần tạo môi trường học tập thoải mái, giúp học sinh vượt qua cảm giác lo lắng hay tự ti khi học tiếng Anh. Bài tập giao cho học sinh cần vừa sức, tránh quá tải hoặc quá khó khiến các em chán nản.
Xây dựng đội ngũ học sinh nòng cốt

Việc phát huy các tổ, nhóm học tập tiếng Anh trong học sinh có hiệu quả rất cao. Từ những học sinh có thành tích tốt, giáo viên có thể xây dựng câu lạc bộ, tổ, nhóm học tiếng Anh để hỗ trợ các bạn khác cùng tiến bộ.
Ngoài ra, giáo viên cần bồi dưỡng các em học sinh giỏi để tham gia các cuộc thi tiếng Anh cấp trường, huyện hoặc tỉnh. Những học sinh này sẽ trở thành hạt nhân giúp xây dựng phong trào học tập tiếng Anh trong trường, tạo động lực cho các bạn khác.
Giáo viên cũng cần giúp học sinh tự tin khi phát biểu, giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc trang bị thêm kỹ năng thuyết trình, thiết kế bài trình chiếu cũng góp phần tạo nền tảng để các em phát triển toàn diện.
Chọn lọc nguồn tư liệu phù hợp
Nguồn tư liệu có ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy-học tiếng Anh, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài sách giáo khoa, giáo viên có thể chọn lọc thêm tài liệu từ các nguồn trực tuyến hoặc các trang web học tiếng Anh bổ ích để giới thiệu cho học sinh.
Một giải pháp khác là lập địa chỉ email chung để giao bài tập và nhận bài làm từ học sinh. Điều này khuyến khích các em chủ động tự học và nghiên cứu thêm ngoài giờ học chính khóa.
Tăng cường hoạt động ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh. Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, học sinh có thể vượt qua cảm giác tự ti, ngại nói tiếng Anh... Các hoạt động ngoại khóa cần được tổ chức với sự hỗ trợ của giáo viên và sự cổ vũ từ cha mẹ học sinh.
Ngoài việc giúp học sinh tự tin hơn, hoạt động ngoại khóa còn là cơ hội để phát hiện học sinh có năng khiếu về tiếng Anh. Từ đó, nhà trường có thể lập kế hoạch bồi dưỡng để các em tham gia các kỳ thi hoặc trở thành nòng cốt trong phong trào học tập tiếng Anh của trường.
Tổ chức kỳ thi nghe - nói tiếng Anh thường xuyên
Các kỳ thi nghe - nói tiếng Anh là cơ hội để học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, với học sinh vùng sâu, vùng xa, môi trường thực hành tiếng Anh thường hạn chế, dẫn đến việc thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế.
Qua các kỳ thi, học sinh có thể trao đổi về những chủ đề gần gũi với cuộc sống, vừa tăng cường kỹ năng ngôn ngữ, vừa nâng cao sự tự tin. Đồng thời, đây cũng là dịp để giáo viên phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có khả năng nổi trội.
Áp dụng những biện pháp trên, việc dạy - học tiếng Anh cho học sinh miền núi sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, những học sinh ở vùng khó khăn cũng có cơ hội phát triển kỹ năng tiếng Anh, tạo tiền đề để các em tự tin hòa nhập và phát triển trong môi trường quốc tế.
Phạm Tuấn
Ấn phẩm Vì trẻ em số 1