Tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Mất mạng vì nạo phá thai chui
Theo các chuyên gia, những số liệu về số ca nạo phá thai của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam chỉ là phần nổi của tảng băng chìm do không thể cập nhật được hết số ca nạo phá thai ở các phòng khám tư nhân khi phần lớn số ca đều thực hiện “chui”.
Thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy khoảng 40 - 50 ca nạo phá thai/ngày, trong đó 18 - 20% ca ở tuổi vị thành niên.
Còn ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 100 ca đình chỉ thai, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên khoảng 20%. không ít trẻ tìm đến cơ sở chui để nạo hút thai vì bệnh viện công quy định mọi trẻ vị thành niên phải có sự bảo lãnh của cha mẹ. Trong khi các em lại giấu bố mẹ việc có thai.
BS Ngô Thu Hà, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ cho biết, nạo phá thai ở độ tuổi nào cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn đối với trẻ vị thành niên. Ở độ tuổi này, các em vừa dậy thì, cơ quan sinh dục chưa được hoàn thiện, tâm lý, các hormone cũng chưa được ổn định nên việc nạo phá thai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bộ phận sinh dục, có thể gây vô sinh, thậm chí tử vong.
TS, BS Ngô Thị Yên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học giới tính Việt Nam cũng cho rằng, việc có thai ngoài ý muốn và tác hại của nạo phá thai là vô cùng nhức nhối. Dù sử dụng biện pháp nào, phá thai đều để lại hậu quả.
Bác sĩ Yên dẫn chứng về trường hợp phá thai đầy ám ảnh khi công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Đó là thiếu nữ 17 tuổi phá thai chui nhưng không đi tái khám và giấu gia đình. Sau 2 tháng rưỡi không thấy hành kinh, cô đến Bệnh viện Từ Dũ khám với triệu chứng sốt cao 3 ngày, dịch ở vùng âm hộ có mùi hôi. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một mô nhau thai còn sót lại, chưa thoát ra cổ tử cung và bị sốc nhiễm trùng nặng dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan nội tạng. Sau một tháng rưỡi dù được điều trị tích cực, bệnh nhân đã không qua khỏi.
“Vẽ đường cho hươu chạy” đúng
Hiện nay, xu hướng yêu và quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên quá sớm, trong khi các kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế dẫn tới việc mang thai, nạo phá thai và thậm chí không ít trường hợp “trẻ con sinh ra trẻ con” dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng.
Chị Hoàng Minh An (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ, kể từ khi cô con gái đầu vào học lớp 4, chị đã bắt đầu giáo dục giới tính cho con. Ngay khi cháu hỏi về vấn đề mang thai, vì sao lại không được để người khác giới đụng chạm vào vùng kín… khoảnh khắc ấy chị hiểu rằng, thời điểm chị phải giúp “chú hươu con” của chị “chạy cho đúng đường”. Thông qua các hình ảnh trên phim hoạt hình, qua sách báo… hai mẹ con trao đổi khá tự nhiên về giới tính, trong đó có những vấn đề nhạy cảm trên cơ thể nam, nữ.
Giáo dục giới tính cho trẻ là cách để giúp trẻ từng bước có những kiến thức về tâm lý, giới tính của mỗi giới, hoạt động tình dục cho thanh, thiếu niên và giúp trẻ hình thành những quan niệm đúng đắn về sức khỏe sinh sản, ý thức bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, các nội dung giáo dục về giới và giới tính vẫn mới chỉ được các ngành liên quan phối hợp tổ chức triển khai ở các hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, không ít cha mẹ vẫn giữ quan niệm rằng việc chủ động nói chuyện về giới tính, tình dục với con trước tuổi trưởng thành là “vẽ đường cho hươu chạy”, là “không cần thiết” và tin “con lớn sẽ tự biết”.
Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, giải pháp cho tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên là cần có sự thay đổi từ chính người lớn, đó là những bậc làm cha, làm mẹ hay thầy cô. Từ khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, cha mẹ, thầy cô cần giáo dục giới tính cho trẻ, cần nói cho trẻ hiểu về việc quan hệ tình dục an toàn, hệ lụy từ việc mang thai ngoài ý muốn.
Giáo dục bền vững, đồng hành cùng trẻ sẽ là nền tảng để cùng trẻ vượt qua giai đoạn này, trang bị cho trẻ những kiến thức chính thống để trẻ không "tự tìm đường chạy" và kéo theo hàng loạt các hệ lụy sau đó.
Để trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho con, quan trọng nhất là cha mẹ cần tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức về các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính, từ đó có thể giải đáp các thắc mắc, tò mò của con trẻ thông qua phương cách sử dụng câu chuyện, truyện tranh về giáo dục giới tính để kể cho trẻ.
Khi trao đổi, phụ huynh cần sử dụng ngôn từ đơn giản, trực tiếp để trẻ dễ tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, không nên giải thích mập mờ, vòng vo làm trẻ khó hiểu, gây tò mò. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần chú trọng lồng ghép hoạt động giáo dục giới tính tùy vào độ tuổi của con qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, ứng xử phù hợp với giới, tạo cuộc sống lành mạnh cho trẻ...
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 117