Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, việc làm này của phụ huynh sẽ là gương xấu, ảnh hưởng đến tới nhận thức về các quy định an toàn giao thông của trẻ.
Phụ huynh vi phạm giao thông, con lĩnh hậu quả
Nhớ lại vụ tai nạn do vượt đèn đỏ xảy ra mới đây, anh Lương Việt Hòa (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng và hối hận. Anh cho biết, mặc dù nắm vững các quy định về Luật Giao thông đường bộ, nhưng do nhà gần trường nên mỗi khi đưa con đi học, anh chủ quan, không cho con trai (học lớp 4) đội MBH.
Anh Hòa cũng nhiều lần “tranh thủ” vượt đèn đỏ mỗi khi lo muộn giờ học của con. Dù một vài lần đã được các đồng chí cảnh sát trật tự nhắc nhở về các lỗi vi phạm, nhưng anh vẫn bỏ qua. Tháng 7/2024, trên đường chở con đi học thêm, anh Hòa đã vượt đèn đỏ dẫn tới va chạm giao thông. Vụ tai nạn khiến con trai anh phải nhập viện điều trị chấn thương ở đầu cùng nhiều thương tích phần mềm. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho biết, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con trai anh Hòa sẽ mất nhiều thời gian để bình phục.
Ngoài việc phải dành thời gian chăm sóc con tại bệnh viện, anh Hòa cũng phải thực hiện các thủ tục pháp lý, bồi hoàn phương tiện hỏng hóc với bên liên quan. Tuy nhiên, điều khiến anh dằn vặt và ân hận nhất chính là câu nói của vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho con trai: “Nếu cháu được đội MBH thì chấn thương sẽ nhẹ hơn rất nhiều”.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Hòa hy vọng các bậc cha mẹ sẽ chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là luôn ý thức đội MBH cho con trẻ, bởi nguy cơ xảy ra tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Thực tế cho thấy, không chỉ là tranh thủ vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội MBH… hình ảnh các phụ huynh vừa lái xe chở con vừa nghe điện thoại hoặc chở trẻ em quá số lượng quy định cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, đa phần các phụ huynh đều lấy lý do như: muộn giờ học của trẻ, vừa bị mất MBH, chỉ đi một đoạn ngắn... để xin xỏ và biện bạch cho hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chở 3 người, không đội MBH, phóng nhanh, lạng lách… vẫn diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các em và những người đi đường.
Nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân cho trẻ em ngay từ trên ghế nhà trường, nhiều năm qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trao tặng hàng triệu mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn cho trẻ em trên cả nước.
Tuy nhiên, việc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy và ý thức chấp hành các quy định về an toàn khi tham gia giao thông của nhiều bậc phụ huynh chưa thật sự nghiêm túc. Ðiều này cũng lý giải vì sao số trẻ em phải nhập viện điều trị các chấn thương nặng vùng đầu, mặt do không đội MBH tại các cơ sở y tế trên cả nước vẫn tăng trong thời gian qua.
Cha mẹ cần gương mẫu khi tham gia giao thông
Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em có giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 4.000 trẻ em bị thương, 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (chiếm 24 đến 26% số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích); tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, trong đó gần 50% số trường hợp bị chấn thương sọ não do không đội MBH.
Bên cạnh các nguyên nhân gây ra tình trạng này như trẻ em là đối tượng thụ động, thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý an toàn khi tham gia giao thông… thì không thể không nhắc đến vai trò của người lớn, phụ huynh trong việc không chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù có nhiều phụ huynh đã nhận thức được các lỗi vi phạm nhưng vẫn bỏ qua việc thực hành đúng đắn hoặc đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ cho các sai phạm. Thậm chí, một số phụ huynh còn xúi con trẻ nói dối để được thoát tội.
Những hành động này chỉ càng khiến trẻ em có cái nhìn méo mó, coi nhẹ việc cần phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Nếu cha mẹ mặc nhiên coi những hành vi vi phạm an toàn giao thông khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ… là những điều bình thường thì trẻ em sẽ không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
Khi ý thức của các bậc phụ huynh còn chưa tốt thì trách sao được ý thức tham gia giao thông của nhiều trẻ em cũng rất kém. Nhiều trẻ khi vi phạm giao thông đã cho biết, dù chưa đến tuổi được cấp bằng xe máy, nhưng vì nhà xa nên bố mẹ cho phép đi;
Hoặc bố mẹ không nhắc đội MBH nên bản thân không đội; hay bố mẹ vẫn vượt đèn đỏ, không đội MBH mà chả bị sao nên các em bắt chước… Tất cả những điều này cho thấy, việc phụ huynh không chấp hành Luật Giao thông đã là gương xấu cho con trẻ học theo.
Do đó, việc cha mẹ chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông không chỉ giúp các con sau này trở thành những công dân biết tuân thủ pháp luật, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Những bài học về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông các con được học trong nhà trường chắc chắn sẽ được phát huy hiệu quả hơn khi được nhìn tấm gương của chính bố mẹ mình.
Xuân Quang
Ấn phẩm Vì trẻ em số 16