Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng hung khí vi phạm pháp luật

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên (TTN), học sinh sử dụng hung khí có tính chất sát thương cao để giải quyết mâu thuẫn đang là vấn đề rất đáng lo ngại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Gia tăng tình trạng TTN, học sinh sử dụng hung khí vi phạm pháp luật

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, tình trạng TTN sử dụng vũ khí tự chế để phạm tội tại nhiều thành phố lớn và các địa phương trong cả nước có diễn biến phức tạp, liên quan đến trật tự trị an như: cố ý gây thương tích, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng...

Đặc biệt, hành vi sử dụng các loại dao tự chế để giải quyết mâu thuẫn và gây rối trật tự công cộng xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua gây lo lắng, bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội. 

375210847_273041968849518_6519095786835374768_n.jpg
Tình trạng TTN sử dụng hung khí gây rối trật tự đang có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo và đưa ra xét xử nhiều vụ việc trọng điểm mang tính chất răn đe, nhưng qua thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng trăm đối tượng TTN tại nhiều tỉnh, thành phố bị bắt giữ, điều tra do liên quan đến các hành vi trên. 

Ngay những ngày đầu tháng 7, tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc có một nhóm TTN mang theo dao phóng lợn và sử dụng xe mô tô chạy tốc độ cao trên tuyến quốc lộ 38 để trêu, dọa người tham gia giao thông, Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng vào cuộc và triệu tập 8 đối tượng cầm đầu (đều dưới 18 tuổi) để lập hồ sơ xử lý.

Cùng thời gian trên, công an TP Hà Nội, Ninh Bình… cũng đã bắt giữ hơn 80 đối tượng (từ 14 đến 18 tuổi), để làm rõ hành vi dùng dao tự chế náo loạn đường phố cũng như gây ra nhiều vụ cướp tài sản, gây mất an ninh trật tự. 

Điểm qua một số vụ việc để thấy, tình trạng TTN vi phạm pháp luật nói chung và sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự nói riêng đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nếu không có những giải pháp ngăn chặn quyết liệt và kịp thời từ phía chính quyền, gia đình thì tình trạng này sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Bổ sung quy định để quản lý vũ khí thô sơ

b1bfba8dc2a4eee5a5f9457195ef0ad7.JPG
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, học sinh.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong số 28.715 vụ việc với 48.987 nghi phạm bị bắt giữ trong 5 năm vừa qua do sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì số vụ sử dụng dao, dao tự chế chiếm tới gần 60%. 

Các loại dao có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt, nhưng khi phát sinh mâu thuẫn, những phương tiện này lại được đối tượng xấu sử dụng để tấn công, giết người với tính chất rất manh động. Tuy nhiên, do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí (trừ khi nó được sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội hình sự) nên không thể xử lý được các đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí. 

Xuất phát từ những thực tế trên, nhất là sau hàng loạt vụ việc các băng nhóm TTN mang dao có sẵn, dao tự chế đi giải quyết mâu thuẫn gây bức xúc dư luận, cũng như căn cứ vào các vụ tội phạm sử dụng phương tiện này gây án trong nhiều năm qua, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đề xuất này đã nhận được sự góp ý, đồng thuận của các thành viên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Theo đại diện Bộ Công an, việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao, cũng như hạn chế việc sử dụng phương tiện này để chống người thi hành công vụ, đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của 
người khác.

Cảnh báo tình trạng trẻ hóa TTN, học sinh vi phạm pháp luật

Thời gian qua, Hà Nội là một trong số những địa phương có tỷ lệ TTN vi phạm pháp luật cao và ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 5 năm vừa qua Thành phố đã phát hiện, xử lý gần 900 vụ việc với hơn 3.000 đối tượng dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Qua đánh giá, phân loại cho thấy, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng. 

Đáng chú ý, tình trạng TTN vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa và biết sử dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, mạng xã hội để liên lạc, móc nối, kêu gọi đồng bọn, chuẩn bị phương tiện, công cụ gây án… đã khiến cho công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý của cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, bên cạnh việc quản lý, kiểm soát các loại vũ khí thô sơ chưa chặt chẽ thì việc các đối tượng do đang ở độ tuổi ham chơi, nhận thức không đầy đủ về pháp luật, lại không được quan tâm từ gia đình đã khiến nhiều TTN vi phạm pháp luật.

Cũng chính từ việc giáo dục chưa hiệu quả cùng sự thiếu tu dưỡng bản thân nên nhiều TTN dễ bị các đối tượng, băng nhóm tội phạm kích động, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Do đó, để phòng ngừa tình trạng TTN sử dụng hung khí phạm tội, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh giáo dục trong mỗi gia đình. Chỉ có sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc và kịp thời uốn nắn của các bậc cha mẹ mới giúp các em vượt qua những nông nổi, thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ.

Một môi trường sống tốt cùng sự quan tâm của gia đình chắc chắn sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu trong TTN hiện nay.

Minh Châu

Ấn phẩm Vì trẻ em số 15