Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Ngộ độc thực phẩm diễn biến vẫn "căng"

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thống kê trong 11 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong.

Tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp.

Nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại bếp ăn của doanh nghiệp

Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024, tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học, và do thức ăn đường phố.

Thống kê trong 11 tháng, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, song số tử vong giảm 7 người.

Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong. Số vụ ngộ độc nhỏ, vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.

Ngộ độc thực phẩm diễn biến vẫn "căng" - 1
Nhiều học sinh ở Nha Trang (Khánh Hòa) phải nhập viện với các dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm, có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên, chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ; 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Đặc biệt, trong tháng 12, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ ngộ độc tập thể khiến nhiều người nhập viện và đã có trường hợp tử vong.

Mới đây nhất, vào trưa 19/12, trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm tử vong 2 người, nhiều người phải cấp cứu tại bệnh viện. Đến sáng 24/12, trong số 20 bệnh nhân nhập viện, vẫn còn nhiều người trong tình trạng nặng. 

Trong đó 5 người trong tình trạng nặng, hiện đang được điều trị tích cực. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ ngộ độc là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng khách hàng tự mang vào bữa tiệc.

Trước đó, ngay trong những ngày đầu tháng 12, hơn 40 công nhân Công ty Premium Fashion (công ty may), đóng trong Khu công nghiệp WHA, thuộc xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, cảm giác nóng bừng mặt, một số có cảm giác tức ngực, mẩn đỏ... với chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thực phẩm, phản vệ độ 1.

Nỗi lo ngộ độc do thức ăn đường phố

Năm 2024 cũng ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn trường học và cả căng-tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học; do thức ăn đường phố.

Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm hơn 300 người phải nhập viện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến nhiều người dân lo lắng khi tất cả số người bệnh này xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình, phường 7, TP Vũng Tàu.

Trước đó, một vụ ngộ độc bánh mì tại tiệm bánh mì Băng, đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP Long Khánh (Đồng Nai) khiến hơn 500 người nhập viện. Trong đó, một bệnh nhi nặng nhất đã tử vong sau thời gian điều trị tại bệnh viện ở TPHCM.

Qua phân tích các kết quả xét nghiệm, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt này là do vi khuẩn Salmonella.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, 13 học sinh của Trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào cuối giờ học buổi chiều đã được một nhóm người lạ phát nước ngọt miễn phí ở ngoài cổng trường.

Sau khi uống, các em xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn và phải vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai điều trị.

Tại TPHCM, sau khi ăn sáng, trong đó có sushi, bánh mì  mua trước cổng trường, 15 học sinh của 4 trường tiểu học ở TP Thủ Đức phải nhập viện cấp cứu. Sau khi ăn khoảng 2 đến 3 giờ, các em lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ tiêu chảy...

Trong năm 2024, tại TP Nha Trang cũng đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố, trong đó có trường hợp dẫn đến tử vong.

Vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo khiến 37 học sinh nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói, đau đầu. 

Đáng tiếc, một nữ sinh lớp 5 đã tử vong sau khi ăn sushi và uống nước ngọt mua từ hàng quán trước cổng trường.

Theo ghi nhận tại Hà Nội, sau mỗi buổi tan học chính ở trường, không khó để bắt gặp nhiều em học sinh quây kín hàng rong thịt xiên, xúc xích nướng với đủ loại màu sắc trông rất hấp dẫn gần cổng trường để ăn “lót dạ” chờ bố mẹ đến đón.

Tương tự tại các cổng bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức, Phụ sản Trung ương… xuất hiện những xe đẩy bán đồ ăn lưu động không được che đậy, người bán hàng không sử dụng găng tay nilon để bán hàng.

Thậm chí các đồ ăn như: Xôi cháo, bánh mì, cơm, trứng gà, vịt lộn... cũng đặt luôn xuống dưới nền đất để bán cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Hay như tại khu phố cổ đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào cũng vậy, rất nhiều đồ ăn chín, hoa quả với đủ sắc màu trông rất hấp dẫn, bắt mắt được chế biến, bày biện ngay dưới lòng đường khói bụi, đông người qua lại nhưng không được che đậy nên rất mất vệ sinh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP

Theo TS Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) (Bộ Y tế), trước tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP.

Trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Theo đó, tính đến 30/11, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, phạt tiền 6.658 cơ sở, với số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, cùng với đó số tiền phạt cũng tăng 1,69 lần.

Theo báo cáo giám sát của 40 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố, tổng số mẫu giám sát 18.082 mẫu, không đạt 526 mẫu (2,9%). Theo số liệu báo cáo giám sát của 6 viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, tổng số mẫu giám sát là 387 mẫu, không đạt là 13 mẫu (6,3%).

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay, việc kiểm tra ATTP của các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Việc kiểm tra ở các trường học thường chỉ tập trung vào bếp ăn, căng tin.

Vậy nên, các quán ăn, xe hàng di động, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, năm 2025, ngành Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, rà soát xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối từ trung ương đến địa phương.

Hà Nội: Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP

Từ 1/1/2025, Hà Nội áp dụng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, trong đó quy định, kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm ATTP bị phạt đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.

Hà Châu - Cù Hoà

Báo Lao động và Xã hội số 156