Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bán ra thị trường đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, lượng hàng hóa không tem mác vẫn xuất hiện tràn lan; số vụ ngộ độc, số người ngộ độc tăng cao đe dọa đến sức khỏe người dân, gây hoang mang dư luận xã hội.

Vi phạm thực phẩm nhập lậu lớn

Ngày 3/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội 7 PC 03 Công an TP Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm tại số 6 ngách 4 đường phía Nam, thôn Kỳ Thuỷ, Bích Hoà, Thanh Oai, Hà Nội.

Tại đây, đoàn phát hiện 1.520kg thực phẩm gồm: Nầm lợn, lườn vịt, đùi vịt các loại.

ga.jpg
Gần 200kg thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm được lực lượng chức năng phát hiện tại Thái Nguyên.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số thực phẩm trên. Ngoài ra, cơ sở này chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Đội QLTT số 11 tạm giữ toàn bộ số thực phẩm trên để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ngày 5/5, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Quảng Ninh phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái phát hiện có 1.870kg xúc xích không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đựng trong bao tải dứa, tập kết trên thùng xe đang chảy nước có dấu hiệu hư hỏng.

Lái xe khai nhận đã mua gom toàn bộ số xúc xích trên, nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Cũng tại Quảng Ninh, ngày 10/5, Đội QLTT số 8 kiểm tra hành chính tại cửa hàng Vinh Thanh, phố Đông Tiến 1, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, phát hiện tại đây bày bán, tích trữ 130kg chân gà, chân bò, nội tạng lợn đông lạnh được sơ chế, không rõ nguồn gốc có hiện tượng chảy nước, mùi hắc, không bảo đảm an toàn.

Ngày 4/5, tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra Cục QLTT đã phạt và thu giữ 110kg chân gà nhập lậu được bày bán tại một hộ kinh doanh. Toàn bộ số chân gà này không có hóa đơn chứng từ, không có địa chỉ sản xuất cũng như thông số liên quan được cấp phép lưu thông và giao thương trên thị trường.

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phát hiện và thu giữ 11 tấn chân gà và giò lợn đông lạnh do không có bất kỳ giấy kiểm dịch, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Quá trình kiểm tra, lô hàng có dấu hiệu biến đổi màu sắc thâm đen và chảy nước.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) cho biết: Kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong 5 tháng đầu năm cho thấy, có tổng số 3.596 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm bị kiểm tra; trong đó, xử lý 2.887 vụ, số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng; vi phạm về thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động thực vật 345 vụ, xử phạt hơn 6 tỷ đồng.

Đại diện Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Để che giấu cơ sở sản xuất, đối tượng buôn bán hàng giả chỉ  kinh doanh online trên các trang mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử.

Tận dụng triệt để mạng lưới giao hàng nhanh cũng như thường xuyên thay đổi địa chỉ kho hàng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Với xu thế mua sắm online của phần lớn người dân hiện nay rất dễ bị các đối tượng gian thương lợi dụng.

Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm 

Từ đầu năm đến nay, một số địa phương xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm lớn khiến nhiều người phải nhập viện, gây hoang mang, lo lắng.

Tại hội nghị của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trung bình 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. Riêng 5 tháng đầu năm ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm.

"Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người phải nhập viện...", TS Long nói.

Ngày 28/5, vụ việc 73 công nhân bị ngộ độc tập thể sau bữa ăn trưa tại Công ty TNHH MLB TENERGY (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) khiến dư luận xôn xao. Theo đó, có hơn 1.400 công nhân ăn bữa trưa, sau đó 73 người có biểu hiện ngộ độc, phải nhập viện.

Qua kiểm tra khu vực chế biến thực phẩm, nấu ăn của công ty này cho thấy còn nhiều bất cập như thùng thu gom rác thải không có nắp đậy và không đảm bảo vệ sinh; hệ thống cống rãnh thoát nước thải mất vệ sinh; xuất hiện côn trùng trong khu vực chế biến thực phẩm; bàn chế biến không đảm bảo (gạch vỡ); thực hiện lưu mẫu thực phẩm không đúng quy định (số lượng mẫu lưu không đúng, tủ lưu mẫu không đảm bảo vệ sinh).

Trước đó, giữa tháng 5, vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) khiến 438 người mắc và phải nhập viện. Tại Đồng Nai, vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Dechang Việt Nam làm     95 người phải nhập viện.

Ngoài bếp ăn tập thể thì trong tháng 5 cũng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc với số lượng người mắc cao. Ngày 13/5, tại khu du lịch Phan Thiết, 52 khách du lịch phải nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm, thuộc đoàn 750 khách của Công ty Du lịch Vietravel.

Nghiêm trọng hơn, tại Đồng Nai, 560 người sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) phải nhập viện cấp cứu…

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/5 của Quốc hội, trước thực trạng hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra thời gian qua, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo chế tài đủ mạnh, tránh buông lỏng quản lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Minh Châu

Báo Lao động Xã hội số 68