Cơ duyên đến với công việc giúp đỡ những người có H
Chị Phạm Thị Huệ là Trưởng phòng truyền thông Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng (HHCSC).
Cơ duyên đưa chị đến với công việc hỗ trợ cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2001.
Thời điểm chị Huệ phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng khi sinh con trai ở tuổi 21. Cú sốc đầu đời quá lớn khiến chị rơi vào chán nản, tuyệt vọng, đôi lúc suy nghĩ tiêu cực.
May mắn, con chị khỏe mạnh, không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Khi ấy Huệ là một trong những người đầu tiên công khai tình trạng mình nhiễm H và xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Chị tích cực tham gia các hoạt động truyền thông và hỗ trợ những người yếu thế, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS. Chị đưa ra nhiều sáng kiến hay và được các cấp lãnh đạo tỉnh, các tổ chức xã hội hỗ trợ để thành lập nhóm tự lực của những người có H đầu tiên tại Hải Phòng – nhóm Hoa Phượng Đỏ.
Chị cùng các thành viên trong nhóm làm những việc mà không ai dám làm, kể cả gia đình người bệnh: Chăm sóc người có HIV giai đoạn cuối, hỗ trợ khâm liệm khi họ qua đời. Việc làm đó đã trở thành điểm tựa, niềm tin và tiếp thêm động lực sống cho hàng nghìn người không may bị nhiễm HIV.
“Là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ nên tôi hiểu được nỗi khổ vì bệnh tật và sự kỳ thị của cộng đồng. Tôi gắn bó với công việc này, dành hết tâm huyết, thời gian cho nó, bởi tôi thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội và muốn trả ơn những người đã “cứu” mình” – chị Huệ bộc bạch.
Để vinh danh những đóng góp của Huệ trong phong trào truyền thông về HIV/AIDS, tạp chí Time của Hoa Kỳ đã trao tặng danh hiệu Anh hùng châu Á (năm 2004). Từ đây, cô gái Việt Nam vượt lên số phận được bạn bè quốc tế biết đến với thông điệp: "Sự kỳ thị không phải là thuốc chữa. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì kỳ thị". Sau đó Huệ tham gia làm tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc tuyên truyền về HIV/AIDS.
5 năm sau chị trở về Hải Phòng và công tác tại Trung tâm HHCSC. Bên cạnh đó, chị Huệ cùng các đồng nghiệp triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng hiệu quả, trong đó có các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV, đặc biệt là trẻ em mồ côi bị nhiễm H và bị trẻ ảnh hưởng bởi HIV; Triển khai dự án truyền thông cho thanh, thiếu niên ngoài trường học (trẻ em đường phố) để các em biết tác hại của HIV, ma túy, trang bị cho các em kỹ năng phòng và tránh.
Hạnh phúc khi giúp được những trẻ mồ côi có H
Thời điểm đại dịch Covid-19, Hải Phòng đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ qua đời vì HIV/AIDS, để lại những đứa trẻ bơ vơ, nghèo khó, bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
Những người ông, người bà ở tuổi 80-90 lại phải gồng mình lên để chăm sóc các cháu. Nhưng nhiều ông bà già yếu, khó khăn, không đủ khả năng nuôi các cháu, đã gửi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Chị Huệ chia sẻ, sau khi các em thiệt thòi đó 18 tuổi là lúc quay trở về cộng đồng đã được Trung tâm HHCSC đón đầu, dạy các kỹ năng sống, giúp các em tái hòa nhập xã hội. Với tuổi 18, đôi mươi thì sinh kế và kỹ năng sống vô cùng quan trọng, đó là hai phương hướng chính để Trung tâm giúp các em.
Tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Sức sống mới (do HHCSC thành lập và hỗ trợ hoạt động), các em như được trở về ngôi nhà thứ hai của mình, dần ổn định về tâm lý, vượt qua mặc cảm tự ti.
Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng, Trung tâm và CLB tổ chức các buổi giao lưu, hướng dẫn các kỹ năng sống cơ bản trong cuộc sống, các kiến thức phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục...
Hiện nay các em được hỗ trợ học phí và dinh dưỡng 500.000 đ/trẻ/tháng thông qua kết nối với quỹ họ Đỗ và các mạnh thường quân khác. HHCSC kết nối trẻ học nghề tại các trung tâm dạy nghề như Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo KOTO,… phối hợp cùng các mạnh thường quân hỗ trợ định hướng, tiếp cận nghề nghiệp, giúp các em tìm việc làm như pha chế, cắt tóc, gội đầu, thu ngân, bán hàng… Tới nay, nhiều em đã đi làm trong các doanh nghiệp.
“Một số em yêu nghệ thuật, thích vẽ, hoặc khéo tay thích đan lát,… được HHCSC kết hợp với trung tâm dạy nghề của Hội Chữ thập đỏ TP Hải Phòng hướng cho các em phát huy được khả năng của mình, tạo ra những sản phẩm mang thu nhập cho các em có thể sống tự lập. Sắp tới chúng tôi sẽ kết nối với một số doanh nghiệp tạo thêm công ăn việc làm cho các em vững bước tương lai” – chị Huệ chia sẻ.
Không ít em đã vươn lên mạnh mẽ, như trường hợp em T.H.Y. mồ côi cha mẹ từ nhỏ do HIV, em bị lây nhiễm H từ cha. Sau những năm tháng học ở trung tâm bảo trợ xã hội, em Y. được ông ngoại đón về nhà năm em 18 tuổi.
Em chăm chỉ chịu khó đi làm thêm, giới thiệu sản phẩm, bán hàng ở siêu thị, làm PG, bê tráp ăn hỏi,… nên đã có thu nhập để trang trải cuộc sống. Trước đó, em Y. may mắn gặp cô Huệ, cô đã giới thiệu em tham gia CLB, học các khóa học kỹ năng, học nghề, và tham gia các dự án cộng đồng. T.H.Y. chia sẻ, em rất ngưỡng mộ cô Huệ, coi cô như người mẹ hiền thứ hai của mình.
Cô thường xuyên động viên, giúp em rất nhiều. Em được học hỏi, có công việc, vượt qua trầm cảm, bệnh tật, tự tin bước chân vào đời. Hiện nay, ở tuổi 21, sức khỏe của em Y. Khá tốt, sống vui vẻ, yêu đời hơn. Ước mơ của em là được đi học lên cao hơn, để có thể dạy cho các em cùng hoàn cảnh ở trong CLB Sức sống mới.
Em L.T.T. cùng hoàn cảnh như Y. là trẻ mồ côi, bị nhiễm H từ bố. Khi trở về từ Trung tâm bảo trợ xã hội, em T. được mẹ Huệ giúp đỡ nhiều.
Chị Huệ kết nối với quỹ họ Đỗ tặng em T. chiếc xe máy trị giá trên 20 triệu đ. T được tham gia những dự án liên quan tới trẻ em, phụ nữ có H để học hỏi được nhiều hơn về công tác xã hội. Hiện em T. 22 tuổi, sắp tốt nghiệp Đại học Hải Phòng.
Em mong muốn được làm nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ cho những bạn cũng thiệt thòi như em.
Hai em Y. và T. đều được mẹ Huệ nhiệt tình giúp đỡ, phát huy sở trường, khả năng cá nhân. Hy vọng trong tương lai gần, Y. và T. cũng như các em nhỏ cùng cảnh ngộ có cuộc sống ổn định, tự lập vững chắc. Đó là tâm nguyện và niềm hạnh phúc của chị Phạm Thị Huệ.
Hồng Nga