Khoe thành tích của con: Cha mẹ vui, trẻ áp lực

Không ít phụ huynh coi việc chia sẻ giấy khen của con lên mạng như một cách lưu giữ kỷ niệm và ghi nhận những nỗ lực, thành tích của con. Họ cho rằng đây là cách để bày tỏ niềm tự hào về con mình và cũng là hình thức khích lệ, động viên con tiếp tục cố gắng.
Hơn nữa, việc này còn giúp cha mẹ có thể chia sẻ niềm vui với bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, việc đưa giấy khen của con lên mạng không phải bao giờ cũng khiến trẻ vui, thậm chí nhiều em còn thấy khó chịu vì hành động này của cha mẹ.
Em Tuấn Anh (Hà Nội) cảm thấy ngại ngùng với bạn bè khi mẹ khoe bảng điểm với thành tích “khủng” của em lên mạng xã hội. Em còn trở thành chủ đề bàn tán ở lớp vì các bạn cho rằng em đang khoe khoang, tự mãn.
Tuấn Anh cảm thấy áp lực và mệt mỏi và đã đề nghị lần sau nếu muốn đăng hình ảnh, thông tin liên quan đến em lên mạng xã hội thì phải hỏi ý kiến trước.
Cô Thùy Hương (giáo viên THCS ở Hà Nội) cho rằng: “Đăng thành tích học tập của con lên mạng là niềm vui, thói quen của nhiều phụ huynh, điều này không có gì xấu, nhưng đôi khi lại vô tình ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Không ít học sinh cảm thấy áp lực trước những hành động của bố mẹ trên mạng xã hội. Các con sẽ vui, cảm thấy được khích lệ khi nhận được sự ghi nhận, động viên từ bố mẹ, nhưng nếu phụ huynh khoe con quá nhiều trên mạng thì đôi khi lại khiến trẻ cảm thấy áp lực, phải cố gắng vì chính những kỳ vọng, những bảng điểm mà bố mẹ đăng lên”.
Từ áp lực tâm lý đến những nguy hiểm rình rập
Trên góc độ an toàn thông tin, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an), cho rằng: “Việc cha mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con lên mạng là một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Việc đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi học sinh, địa chỉ trường học… của trẻ lên mạng xã hội sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm mạng. Kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội như bắt cóc tống tiền hoặc xâm hại trẻ em”.
Trong kỷ nguyên số, việc chia sẻ hình ảnh khuôn mặt trẻ cầm bằng khen với đầy đủ thông tin cá nhân lên mạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng.
Theo thống kê của cơ quan điều tra, 80% trường hợp bị lừa do chính cá nhân tự lộ thông tin qua thói quen đăng ảnh con, cùng các loại giấy tờ lên mạng.
Ngoài ra, khi cha mẹ đăng tải ảnh hay clip ghi lại những hành động không đẹp, lỗi lầm của con thì sẽ có hàng trăm người soi mói, bàn tán. Kết quả là trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét.
Vì thế trước khi quyết định chia sẻ bất cứ điều gì, người lớn hãy suy nghĩ kỹ về hậu quả, không để niềm vui hôm nay trở thành nỗi day dứt mai sau.

Cần học cách vượt qua “chứng khoe con”
Chia sẻ với phóng viên Vì trẻ em về vấn đề cha mẹ thích khoe cho trên mạng xã hội, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên cho rằng, việc khoe con trên mạng đa phần thỏa mãn cảm xúc của cha mẹ hơn là con cái, nhiều trẻ cảm thấy áp lực, khó chịu, thậm chí xấu hổ khi thông tin cá nhân, điểm số và thành tích, giấy khen của mình “chất đầy” trên mạng xã hội để cộng đồng mạng khen, chê.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ rằng, không ít lần tại phòng tư vấn học đường, học sinh bày tỏ: Con ghét mẹ, cái gì mẹ cũng đăng lên mạng xã hội.
Ngoài vi phạm bí mật đời tư, xu hướng khoe con cũng làm khắc sâu hơn những khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khi quan điểm không đồng nhất, hành vi không đồng thuận giữa đôi bên và cán cân thiên lệch về phía người lớn khi cho mình “quyền được quyết định thay con” kể cả con muốn hay không về việc khoe điểm.
Bên cạnh đó, việc vô tình để lộ thông tin của con cũng là “miếng mồi” béo bở cho kẻ xấu tìm cách tiếp cận và tấn công trẻ, cùng gia đình.
Với kinh nghiệm nhiều năm là chuyên gia tâm lý cho trẻ em, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân khuyên các bậc phụ huynh cần cân nhắc giữa niềm vui của bản thân, nhu cầu được khen ngợi về con, hay mang lên mạng chuyện riêng của con cho cả cộng đồng phân bua, bình phẩm.
Điều này không có nhiều lợi ích với con, thậm chí mang lại nguy hiểm cho tâm lý và sự an toàn của trẻ nếu kẻ xấu để ý và nhắm đến. Việc khoe con cần sự đồng ý của trẻ và cần khéo léo khoe sao cho không để lại hệ lụy gì về tâm lý và an toàn của trẻ, không để lọt thông tin cá nhân ra ngoài.
Thay vì mất nhiều thời gian và tâm sức cho việc khoe con, phản hồi bình luận đôi khi tiêu cực, chê bai, hạ bệ của người khác, cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, tâm tình với con, động viên, khen ngợi và đồng hành cùng con để rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc học tập sau đó.
Về vấn đề cha mẹ hay so sánh con mình với con nhà người ta, theo chuyên gia Lê Minh Huân, phụ huynh cần thay đổi thói quen này. Cha mẹ phải hiểu được rằng, mọi sự so sánh giữa con với người khác đều khập khiễng, vì trí thông minh, năng lực, sở thích, sở trường của mỗi trẻ là khác nhau.
Trường hợp cha mẹ cảm thấy lúng túng khi giáo dục con hoặc “nghiện” khoe con, hãy tâm sự với người có kinh nghiệm dạy con tốt hơn, học cách họ vượt qua “chứng khoe con”.
Thậm chí, có thể tìm gặp các nhà sư phạm, tâm lý - giáo dục để được hỗ trợ nhằm “cởi trói” cho con khỏi những ức chế, bất lực trước hành vi khoe con của chính mình.
Theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ. |
Hồng Nga
Ấn phẩm Vì trẻ em số 12