Liên quan đến sự việc bé trai hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nội nghi bị giúp việc bạo hành, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; đồng thời cảnh báo phụ huynh cần lựa chọn và giám sát người giúp việc chăm sóc con nhỏ.
Không chủ quan giao con cho người lạ chăm sóc
Vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nghi nhiều lần bị giúp việc bạo hành gây phẫn nộ dư luận. Theo đoạn clip được camera ghi lại, giúp việc liên tục tác động vật lý lên cháu bé, có lúc dùng tay đấm mạnh vào người hay vứt mạnh xuống giường, lắc lư, véo tai…
Những lúc cháu bé quấy khóc, người này không những không dỗ dành mà còn liên tục có dấu hiệu bạo hành. Đỉnh điểm, dù mẹ cháu bé ngủ giường bên cạnh nhưng người này vẫn bạo hành cháu bé.
Theo chị H.Y. (35 tuổi, mẹ cháu bé), gia đình vô cùng sốc, đau đớn khi biết chuyện con trai bị giúp việc bạo hành dã man. Sau khi trích xuất camera, gia đình chị Y. đã trình báo sự việc lên Công an phường Nghĩa Đô; đồng thời đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua chụp chiếu, bác sĩ cho biết chưa phát hiện dấu hiệu bất thường, gia đình đưa về nhà theo dõi thêm hội chứng sau chấn động não (hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh), ít ngày nữa tái khám.
“Sau sự việc, bà Nguyễn Thị L. (57 tuổi, nữ giúp việc) cùng người thân trong gia đình đã gọi điện, nhắn tin xin lỗi nhưng chúng tôi không muốn hòa giải", chị Y. nói.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, rất may sự việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là lời cảnh tỉnh dành cho phụ huynh trong việc lựa chọn và giám sát người giúp việc chăm sóc con nhỏ.
Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi, giám sát con, đặc biệt trong trường hợp thuê người ngoài. Mặc dù gia đình trong vụ việc này đã lắp camera trong phòng chăm sóc trẻ nhưng việc giám sát chưa chặt chẽ, dẫn đến chuyện bé bị đối xử tàn bạo kéo dài mà không được phát hiện. Sự việc này cho thấy, phụ huynh cần lựa chọn người chăm sóc con mình một cách kỹ lưỡng.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cảnh báo, trước khi thuê người giúp việc, cha mẹ cần kiểm tra xem người này được đào tạo, tập huấn chưa và chỉ nên sử dụng dịch vụ từ các đơn vị uy tín, có hợp đồng ràng buộc rõ ràng.
Bên cạnh đó, các gia đình tuyệt đối không chủ quan giao con cho người lạ chỉ qua lời giới thiệu hoặc mạng xã hội bởi dễ dẫn đến hành vi bạo hành đáng tiếc như thời gian qua.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin bé trai hơn 1 tháng tuổi ở phường Nghĩa Đô nhiều lần bị giúp việc bạo hành gây phẫn nộ dư luận, đơn vị đã yêu cầu Công an quận điều tra, xử lý nghiêm.
"Quan điểm của quận là xử lý nghiêm minh. Công an quận đang điều tra xác minh. Người giúp việc sau sự việc đã về quê Tuyên Quang, công an đang liên hệ và mời người này đến làm việc", bà Dung thông tin.
Cần quy định tiêu chuẩn đạo đức, kỹ năng đối với người giúp việc
TS, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của người giúp việc này rất tàn nhẫn, có dấu hiệu hành hạ người khác nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Theo luật sư Cường, trẻ mới hơn 1 tháng tuổi thường quấy khóc, không có khả năng tự vệ nên việc đánh đập hành hạ trẻ như vậy là vô cùng tàn nhẫn, có thể gây thương tích, thậm chí tước đoạt tính mạng của cháu bé. Người phụ nữ này hoàn toàn có thể nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi bạo hành đối với cháu bé.
Luật sư Cường nhấn mạnh, vụ việc này lần nữa cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo hành bất kể khi nào, kể cả trường hợp mẹ cháu bé đang ở bên cạnh như trong clip. Những người có nguy cơ bạo hành trẻ em thường có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục hay thường xuyên tiếp xúc với trẻ em.
Khi người có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, thiếu đạo đức, thiếu tình yêu thương, thiếu kỹ năng sống và bản tính ích kỷ thì rất dễ thực hiện hành vi bạo hành đối với trẻ em.
"Không ít vụ giúp việc thực hiện hành vi bạo hành trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy đã đến lúc phải có quy định về điều kiện tiêu chuẩn về đạo đức, kỹ năng đối với người giúp việc gia đình có nhiệm vụ trông giữ trẻ nhỏ.
Những người không đủ sức khỏe, có bệnh truyền nhiễm hoặc không đủ phẩm chất đạo đức, không có kỹ năng thì không được phép làm nghề chăm sóc trẻ em", luật sư Cường nêu quan điểm.
Những đối tượng bạo hành trẻ nhỏ cần bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp xử lý bằng chế tài hình sự để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
"Các phụ huynh cần tỉnh táo, thận trọng khi lựa chọn người giúp việc trông trẻ; phải kiểm tra, giám sát, sử dụng các thiết bị điện tử để bảo đảm an toàn cho trẻ, kịp thời phát hiện những hành vi bạo hành trẻ em để có thể can thiệp, ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc", luật sư Cường cảnh báo.
Đ.Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 153