Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Thay đổi quy định về dạy thêm: Học sinh cuối cấp nháo nhác tìm trung tâm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 14/2.

Hiện nhiều trường THCS, THPT đã dừng việc tổ chức học thêm tại trường cho học sinh. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng và đôn đáo tìm trung tâm để học thêm, bởi các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp đang đến gần.

Phụ huynh, học sinh “ngồi trên đống lửa”

Đức Khang, học sinh lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Bản thân em và gia đình đang rất lo lắng vì năm nay em thi vào lớp 10. Trước đây, em thường học thêm ở trường, các thầy, cô giúp em hiểu rõ hơn những bài tập khó, giải đáp các thắc mắc.

Nay cô không được dạy thêm nữa, em sợ sẽ không đủ kiến thức để thi đậu vào trường cấp 3 mà em mong muốn”. 

Thay đổi quy định về dạy thêm: Học sinh cuối cấp nháo nhác tìm trung tâm - 1

Cùng chung tâm trạng lo lắng cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, Minh Dũng, học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, hiện Hà Nội chưa công bố môn thi vào lớp 10 nên học sinh phải học đều các môn. “Để chắc suất vào lớp 10 trường công lập, ngoài thời gian học trên lớp, chúng em đều học thêm.

Thầy, cô ở trường là người sát sao học sinh nhất nên sẽ bổ trợ phần kiến thức còn hổng cũng như có những chuyên đề nâng cao để lấy điểm 9, 10. Thời gian từ nay đến khi thi không còn nhiều, nếu không được học thêm ở trường mà phải tìm trung tâm ngoài để học, như vậy sẽ mất thời gian làm quen với cách dạy và học mới nên em rất lo”.

Tương tự, Ngọc Mai, học sinh lớp 12, quận 1 (TPHCM) cho biết, đây là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục mới. Việc học, ôn tập cũng như cách thức thi, xét tuyển đại học đều có nhiều thay đổi, do đó nếu trường không tổ chức ôn tập buộc học sinh phải tìm lớp bên ngoài. “Không học thêm, chúng em sẽ khó hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp và thực hiện nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học như mong muốn. Hơn nữa, học thêm ở trường chi phí rẻ hơn so với trung tâm, được học thầy cô dạy mình trên lớp, nắm được lực học của em sẽ sát sao hơn”, Ngọc Mai chia sẻ.

Chị Thu Loan, phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhìn nhận, không phải học sinh nào cũng giỏi và tính tự học tốt, vậy nên các em mới cần đi học thêm để thầy cô đốc thúc, hướng dẫn.

Con trai chị Loan thuộc trường hợp như vậy. Học lực của con ở mức vừa phải, lại thiếu tự giác, bố mẹ không thúc giục là chểnh mảng. Vì vậy lâu nay, chị vẫn cho con đi học thêm các buổi chiều ở trường. 

“Bộ GD&ĐT muốn chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, nhưng tôi nghĩ cần có giải pháp phù hợp, đặc biệt là với học sinh cuối cấp. Các con cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào các kỳ thi quan trọng. Nếu không được học thêm giáo viên trong trường thì các con cũng phải tìm trung tâm ngoài để học", chị Loan nói.

Trên diễn đàn, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội cũng “nóng” chuyện học thêm, dạy thêm với những chia sẻ đầy lo lắng: “Các bác phụ huynh cho em hỏi. Con nhà em học thêm cô Minh, cô Hà, nhưng mới đây cô giáo nhắn không dạy thêm nữa theo Thông tư 29. Em nghĩ, nếu con học lớp 6, 7, 8 thì dừng học thêm cũng tốt.

Nhưng ở đây con chuẩn bị thi chuyển cấp, việc dừng học thêm này cũng sẽ ảnh hưởng đến con em nói riêng và một số bạn trong lớp. Vì vậy em muốn nhờ ban phụ huynh có ý kiến với hai cô bộ môn chính và các bác phụ huynh cùng đưa hướng giải quyết?”.

Hay như: “Em cũng như các bác rất nóng ruột ạ. Các con còn hơn 3 tháng nữa để về đích rồi. Mong tìm ra phương án tối ưu nhất để cô đồng hành và hỗ trợ các con!”. 

Phụ huynh, giáo viên cần thay đổi tư duy, nhận thức 

Chia sẻ trước những lo lắng của phụ huynh, học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, các trường phổ thông đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết, môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh.

Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

“Trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.

Với học sinh yếu kém, còn lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.

Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…", ông Thưởng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phụ huynh, giáo viên cần thay đổi cách tư duy, từ nhận thức về vai trò của bản thân đến việc ham thành tích. Học sinh học theo chương trình GDPT mới, hướng đến hình thành năng lực, phẩm chất thay vì truyền thụ kiến thức.

Vì vậy, cách dạy của giáo viên cũng phải thay đổi, trở thành người hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành, truyền cảm hứng để học sinh biết tự học.

Thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) chia sẻ, những quy định trong Thông tư 29 giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Nhà trường quán triệt giáo viên tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, có những biện pháp giảng dạy hiệu quả hơn, tận dụng triệt để 45 phút mỗi tiết học để truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá để nắm bắt khả năng tiếp thu của từng học sinh. Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không cần phụ thuộc vào việc học thêm mà vẫn đạt kết quả tốt.

Hòa Cù

Báo Lao động và Xã hội số 19

Tin liên quan
Quản lý trẻ em chơi game thế nào?

Quản lý trẻ em chơi game thế nào?

(LĐXH) - Nghị định 147 quy định: Trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được chơi game không quá 60 phút mỗi game và không quá 180 phút/ngày khi chơi nhiều game.