Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được nhận định, về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của học sinh, phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học.
Nhận định chung về bài thi Khoa học tự nhiên, kì thi tốt nghiệp THPT 2024, theo các thầy, cô giáo tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục Hocmai: Bài thi gồm 3 môn thi thành phần là vật lí, hóa học và sinh học.
Mỗi môn thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút, tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố; không có câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản trong chương trình học của học sinh.
Theo đó, về phạm vi, các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11.
Về mức độ, khoảng 70-75% số câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 25%-30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Với môn vật lí: Đề thi gồm 40 câu hỏi trong đó có 45% (18 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lý thuyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, không có loại câu hỏi kết hợp kiến thức của nhiều chuyên đề.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Sóng ánh sáng, cụ thể như sau:
Dao động cơ: 1 câu về dao động của con lắc lò xo có kết hợp đồ thị; Sóng cơ và sóng âm: 1 câu về cực trị trong giao thoa sóng; Điện xoay chiều: 1 câu về đồ thị điện áp theo thời gian của mạch có điện dung C thay đổi; Sóng ánh sáng: 1 câu về giao thoa ba bức xạ đơn sắc.
Với môn hóa học: Đề thi gồm 40 câu hỏi trong đó có 30% (12 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 70% (28 câu) số câu hỏi lí thuyết.
Tương tự như đề thi Tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023, đề thi có một số câu hỏi gắn liền với đời sống thực tế và cần kết hợp các kiến thức của nhiều chuyên đề, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt hơn các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Hóa học 12 là: Este, lipit; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất; Tổng hợp hoá học vô cơ, cụ thể như sau:
Este, lipit: 1 câu; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất: 2 câu; Tổng hợp hoá học vô cơ: 1 câu.
Môn sinh học: Đề thi gồm 40 câu hỏi trong đó có 20% (8 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 80% (32 câu) số câu hỏi lí thuyết.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình sinh học 12 là: Cơ chế di truyền và biến dị, Tính quy luật của hiện tượng di truyền, Sinh thái học, Tiến hóa, cụ thể như sau:
Cơ chế di truyền và biến dị: 2 câu (Đột biến cấu trúc NST, Operon); Tính quy luật về hiện tượng di truyền: 4 câu (Phả hệ, Di truyền quần thể, Tương tác gen, Các quy luật phân ly); Sinh thái học: 3 câu; Tiến hóa: 1 câu.
Theo các thầy, cô giáo tổ Tự nhiên - Hệ thống giáo dục Hocmai, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập. Với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào việc xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu, thí sinh cần nỗ lực học tập và chuẩn bị kĩ càng, nắm vững các kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng phân tích và tư duy giải quyết vấn đề, tìm tòi và mở rộng hiểu biết về các ứng dụng thực tế để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thanh Hòa
.