Mô hình bảo vệ phụ nữ, trẻ em hiệu quả
Nhiều trẻ vị thành niên là nạn nhân bị xâm hại tình dục đã được mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đầu tiên tại TP HCM tiếp cận. Trong đó, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời phối hợp với các cơ quan điều tra và Trung tâm Pháp y giám định, lập hồ sơ để điều tra, xử lý vụ việc.

Còn Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (Trung tâm) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HCM sẽ là nơi tạm lánh, giúp nạn nhân có nơi ở an toàn, được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, hỗ trợ sinh nở. Trung bình chi phí cho mỗi nạn nhân khoảng 15,2 triệu đồng, chi từ ngân sách của TP HCM.
Bồ Công Anh là tên gọi thân thương của mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP HCM.
Đây là mô hình một cửa đầu tiên tại Việt Nam được vận hành theo quy chuẩn của các nước trên thế giới. Sau hơn 1 năm ra đời với đường dây nóng 1900545559, nhờ sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng, đến nay Bồ Công Anh trở thành địa chỉ tin cậy, hỗ trợ toàn diện và khép kín cho nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao mô hình một cửa của TP HCM. Nỗ lực này thể hiện sự quyết tâm của TP và các cơ quan liên quan, mô hình hoạt động hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP HCM.
Là một trong những người tham mưu để thành lập mô hình, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM cho biết: “Trước đây, trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại phải đi nhiều nơi để cầu cứu, lấy lời khai, làm giám định, quy trình kéo dài gây mệt mỏi cho trẻ.
Trường hợp cần lưu giữ chứng cứ xâm hại ngay, nhưng đi lòng vòng, thời gian kéo dài dễ khiến chứng cứ bị mờ nhạt dần. Hơn nữa, nếu sự việc trôi qua lâu, trẻ em ngại nói gây khó cho việc lấy lời khai. Vì thế, mô hình một cửa sẽ hỗ trợ nạn nhân một cách nhanh chóng, quy trình khép kín, bảo vệ danh tính nạn nhân”.
Hơn một năm gắn bó với đơn vị Bồ Công Anh, nhân viên phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương Phạm Tuyết Ngân cho biết, tiếp xúc với những trẻ em bị xâm hại chị không khỏi xót xa trước câu chuyện của các em.
Trong đó, chị nhớ nhất trường hợp em Đ.N.G. (14 tuổi, ở huyện Hóc Môn) phải làm mẹ khi đang ở độ tuổi còn quá nhỏ. G. bị xâm hại tình dục mang thai 27 tuần. G. mồ côi cha mẹ, sống với bà nội và anh trai. Nhờ sự phối hợp tích cực của bệnh viện và Trung tâm, em G. đã sinh thường một bé gái nặng 2,58kg.
Theo nguyện vọng, G. muốn được đưa con về nhà ở với bà nội. Do đó, Trung tâm đã liên hệ với địa phương để theo dõi tiếp tình hình sau này của bé. Đây là trường hợp hiếm hoi giúp đỡ 100% cho nạn nhân từ khi đơn vị Bồ Công Anh được thành lập đến nay.
Tiếp xúc với hàng chục trường hợp trẻ em gái bị xâm hại dẫn đến có thai, nhưng điều khiến chị Phạm Tuyết Ngân trăn trở nhất chính là không thể giúp các em có một cái kết tốt nhất.
"Thông tin đơn vị nhận được từ các khoa đưa lên khi có trẻ vị thành niên đến khám hoặc đến sinh, nhưng khi nhân viên chúng tôi đến tìm hiểu, phần lớn đều bị gia đình nạn nhân phản ứng, không cho tiếp cận", chị Ngân chia sẻ khó khăn. Có nhiều lý do để người nhà nạn nhân không hợp tác như sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, không muốn gây áp lực tâm lý cho trẻ…
Thống kê, sau 1 năm triển khai mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em đã tiếp nhận hỗ trợ 51 ca trẻ em là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục; trong đó có 14 ca là trẻ em gái 14 tuổi, 16 ca là trẻ 15 tuổi, đặc biệt có 1 ca trẻ chỉ mới 10 tuổi. Trong đó, có 7 ca đồng ý báo công an xử lý, 1 ca xin về nhà tạm lánh (Trung tâm) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu tiếp.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP HCM, 51 ca trẻ em được hỗ trợ trong 1 năm qua của chương trình chưa phải là tất cả.
Bởi năm 2023, tại Bệnh viện Hùng Vương có 34.360 ca sinh thì đến 423 ca là trẻ vị thành niên, 9.762 ca phá thai thì có 105 ca là trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, chỉ có 51 ca (trong tổng số 528 trẻ vị thành niên sinh con, phá thai) đồng ý chia sẻ, xác nhận là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, cưỡng bức. Còn lại các trường hợp khác đều không muốn chia sẻ.
“Hầu hết trẻ em bị xâm hại đều sống trong gia đình không êm ấm, gia đình có cha mẹ ly hôn, ở với ông bà, sống cùng gia đình riêng của cha hoặc mẹ... Thậm chí, thủ phạm phần lớn là người thân của nạn nhân. Do đó, việc thiết kế nơi tạm lánh cho nạn nhân rất quan trọng”, bà Kim Thanh chia sẻ.

Vẫn còn khoảng trống…
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm: “Mô hình một cửa còn nhiều khoảng trống. Trung tâm chỉ được tiếp nhận nạn nhân có nhu cầu tạm lánh từ Bệnh viện Hùng Vương gửi đến. Trong khi thực tế có rất nhiều trường hợp muốn trực tiếp đến Trung tâm, hoặc các bệnh viện, địa phương, cộng đồng muốn gửi đến nhưng chức năng Trung tâm không được tiếp nhận.
Cũng theo mô hình này, trẻ em mang thai được chế độ ăn chỉ có 64.000 đồng/ngày là quá ít, không đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nạn nhân mang thai sinh con còn quá nhỏ, sau khi sinh xong tạm lánh tại Trung tâm hoặc trở về cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM: “Một năm thí điểm mô hình đã nhận diện được các khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ cho nạn nhân. Đó là đội ngũ chưa có kiến thức chuyên sâu về bạo lực giới, về tư vấn sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân.
Vấn đề quản lý ca chưa chuyên nghiệp, chưa có hướng dẫn cụ thể định mức chi cho từng hoạt động… Đây mới chỉ là khởi đầu. Các đơn vị vận hành mô hình sẽ tiếp tục xem xét, đề xuất mở rộng mô hình này tới các bệnh viện khác cũng như các quận, huyện khác để dự án có thể mở rộng diện bao phủ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại".
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 10