Điều này đặt ra cho nhà quản lý, giáo dục nhiều vấn đề cần giải quyết cũng như có lộ trình nhất định.
Thêm cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức
Cô Trần Thị Vinh, giáo viên Trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, đồng nghiệp Philippines cho biết, họ xem tiếng Anh là công cụ để giao tiếp, là kỹ năng sống cần thiết. Người dân sử dụng Anh ngữ như ngôn ngữ thứ hai dù là trẻ em dưới 3 tuổi hay cụ già 70 tuổi.
Trẻ em Philippines được tiếp xúc với ngôn ngữ này từ những ngày đầu đến lớp. Chương trình sách giáo khoa được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.
“Do vậy, người của quốc gia này nói tiếng Anh rất giỏi. Việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho phép người Philippines phát triển các kỹ năng ngôn ngữ toàn cầu và tạo điều kiện cho việc học tập cũng như ra làm việc ở nước ngoài”, cô Vinh nói.
Cũng trong ASEAN, Singapore là điển hình của châu Á và thế giới với việc phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức, chủ trương quốc tế hóa nền khoa học và giáo dục. Đến nay, người dân Singapore nói chung đều thành thạo 2 ngôn ngữ là tiếng Anh (ngôn ngữ chính thức) và tiếng mẹ đẻ.
Nỗ lực kiên trì cũng như quyết tâm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức trong nhiều thập kỷ qua đã góp phần quan trọng đưa Singapore tiến xa trên con đường hội nhập và phát triển, trở thành một trong những trung tâm thương mại quốc tế và giáo dục hàng đầu ở khu vực và thế giới.
Tiếng Anh là môn học không thể thiếu trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, đa phương diện. Sự đồng hành của ngôn ngữ giúp học sinh có rất nhiều cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức, làm việc và phát triển bản thân. Việc đưa tiếng Anh vào trường học là ngôn ngữ thứ hai thực sự cần thiết và nên được triển khai sớm.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn, nan giải, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có trình độ chuyên sâu về ngoại ngữ mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội và theo chủ chương đổi mới của ngành giáo dục.
Bảo đảm nguồn nhân lực dạy tiếng Anh
TS Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất cho việc dạy học tiếng Anh chính ở sự khác biệt trong điều kiện thực hiện giữa các vùng, miền. Tại các khu vực có điều kiện thuận lợi, người học có giáo viên, sách vở, thời gian.
Trong khi đó, các khu vực khó khăn lại không có đủ giáo viên hay tư liệu học tập. Khác biệt này thấy rõ khi nhìn vào bảng đồ thị điểm thi tiếng Anh hàng năm. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể khắc phục trong điều kiện tận dụng công nghệ cung cấp học liệu, giáo viên miễn phí. Vấn đề nằm ở việc người học xác định được mục tiêu cũng như duy trì việc học tập, rèn luyện và sử dụng.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, nhiều quốc gia đã và đang triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Từ kinh nghiệm quốc tế, theo ông Hiếu, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp như: Xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày; đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế;
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu dạy học trong môi trường hội nhập quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, học tập kinh nghiệm tiên tiến từ các nước đã thực hiện thành công việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học...
TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, cần xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đủ trình độ, năng lực, chuyên môn tốt, nghiệp vụ sư phạm vững vàng để dạy tiếng Anh và các môn học bằng tiếng Anh.
"Đây là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học sư phạm trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng tiếng Anh cho người học là các giáo viên tương lai. Các trường cần triển khai đào tạo bằng tiếng Anh trước tiên đối với các môn khoa học tự nhiên và xã hội.
Cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ vào việc đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình, tài liệu giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy - học.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các trường sư phạm với chương trình đào tạo giáo viên bằng tiếng Anh, từ đó bảo đảm nguồn giáo viên có thể dạy tiếng Anh và các môn học bằng tiếng Anh từ mầm non đến bậc trung học phổ thông;
Khuyến khích giáo viên sử dụng các nền tảng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh, giúp tháo gỡ những khó khăn đối với công tác dạy tiếng Anh tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi và nông thôn”, ông Dũng bày tỏ.
Một số chuyên gia cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm của các nước, mục tiêu này không hề đơn giản, khó có thể làm được trong ngày một ngày hai. Nhưng đây cũng gần như là xu hướng tất yếu khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, ngôn ngữ là công cụ quan trọng của tiến trình hội nhập.
Do vậy, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, chúng ta phải có lộ trình nhất định, trong đó cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, kèm theo đó là những đề án cụ thể với việc chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.
Cù Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 132