Thách thức trong đấu tranh để bảo vệ trẻ em của các nhà báo
Những vấn đề về trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Hiện nay, hình ảnh và thông tin về trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, đậm đặc và phong phú trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, từ những câu chuyện xúc động của trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh éo le, cho tới những câu chuyện gây rúng động xã hội như bị bạo hành, xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật…
Điều đó chứng tỏ báo chí, xã hội ngày càng quan tâm đến trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Báo chí đóng vai trò rất quan trọng và đã tham gia tích cực trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em.
Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả, không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, báo chí cần được trang bị thêm các kiến thức và cần có cả bản lĩnh để thực hiện trách nhiệm của báo chí trong truyền thông để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ”.
Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã chung tay cùng xã hội làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ, đồng thời khơi dậy và tập hợp nhiều nguồn lực cho công tác từ thiện, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt để các em có cơ hội vượt lên số phận, vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Báo chí thời gian qua đã làm khá tốt trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là nhiều vụ xâm hại trẻ em đã bị phanh phui, đưa ra xử lý trước pháp luật.
Tuy nhiên, đôi khi vì áp lực đưa tin nhanh, nóng nên có thể khiến những luồng thông tin phản ánh trên báo chí chưa được kiểm chứng, gây tác động không nhỏ trong hướng dẫn dư luận xã hội.
Một số bài báo, sản phẩm truyền thông đã vô tình, hay cố ý vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ khi sử dụng ngôn ngữ thiếu tính nhạy cảm, hay hình ảnh thiếu tính chọn lọc. Thực tế, có trường hợp lợi dụng những thông tin về trẻ vị thành niên phạm tội, trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục… để tăng lượt xem.
Khi viết về trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục, có nhiều bài viết không làm mờ mặt nạn nhân, thậm chí tiết lộ công khai, cụ thể tên tuổi nạn nhân, gia đình, họ hàng, địa chỉ, trường học của nhạn nhân, dẫn đến nguy cơ các em bị xâm hại thêm lần nữa bởi truyền thông. Điều này đã gây tác động rất lớn đến đời sống tinh thần và tương lai các em đó.
Có những trường hợp, khi bị báo chí khai thác quá sâu đời tư các em đã không thể sống ở địa phương, cả gia đình phải chuyển chỗ ở. Như vậy, nếu không cẩn trọng, báo chí có thể sẽ vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.
Có thể nói, đây là thách thức về trách nhiệm của các nhà báo trong đấu tranh để bảo vệ trẻ em.
Nhà báo cần đặt lợi ích của trẻ lên trên hết

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành: “Tính chân thực trên mạng xã hội là quá xa xỉ, báo chí cần giữ được cái chất của mình.
Báo chí cần đóng vai trò định hướng thông tin, điều chỉnh các thông tin sai, lệch chuẩn; lên án các hành vi xâm hại, tác động tiêu cực đến trẻ em; có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin tích cực, lành mạnh, hỗ trợ phát triển nhân cách trẻ và đặc biệt là khuyến khích xã hội và công dân hành động vì trẻ em”.
Trong quá trình khai thác và xử lý thông tin của nhà báo, yếu tố chính xác, trung thực là yêu cầu hàng đầu của báo chí. Tuy nhiên, khi khai thác đề tài về trẻ em, đòi hỏi nhà báo phải thật sự có tâm.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương về tinh thần do các em còn non nớt về nhận thức.
Do đó, đưa tin về trẻ em và quảng bá quyền trẻ em, báo chí không chỉ đưa tin công bằng, chính xác mà phải tạo điều kiện để các em được tham gia ý kiến, thể hiện chính kiến một cách đa dạng và phong phú. Khi đặt các câu phỏng vấn dành cho trẻ em, nhà báo cần phải tôn trọng nhân phẩm và quyền của trẻ.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: “Các nhà báo cần phải có kiến thức và hiểu biết về quyền trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, về hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em.
Các nhà báo cần có kỹ năng tác nghiệp và cách tạo ra những sản phẩm báo chí đúng với luật pháp, với chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Do đó, cần phải có quy định về tên nạn nhân là trẻ em giống như các nước tiên tiến để không lộ danh tính.
Với từng đối tượng cụ thể, đặc biệt với các đối tượng đặc biệt như trẻ em bị HIV/AIDS, trẻ em vi phạm pháp luật hay trẻ em bị buôn bán qua biên giới, các nhà báo cần phải có kỹ năng tác nghiệp, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và hiểu về luật để có một cách truyền thông cho đúng”.
Trong quá trình thực hiện tuyên truyền, truyền thông về các vấn đề liên quan tới trẻ em, các nhà báo cần tập trung tới việc đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, xác định đúng đề tài, chủ đề và đặc biệt cần có phương pháp khai thác thông tin phù hợp, đúng nguyên tắc về bảo vệ trẻ em.
Các nhà báo viết về trẻ em, phải hiểu tâm lý, tình cảm, cách nhìn, cách suy nghĩ của trẻ, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các em. Các phóng viên khi thực hiện đề tài trẻ em phải nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức báo chí để mỗi tác phẩm sẽ là nơi chắp cánh cho những nỗi niềm của trẻ em.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 11