Đây cũng là tiền đề để thực hành chữ “E” trong ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị doanh nghiệp).
“Tái thiết” phần đất của gia đình
Dẫn chúng tôi thăm cánh rừng gỗ lớn rộng gần 6ha, ông Nguyễn Hữu Trọng (51 tuổi, thôn Ấp Cũ, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) nở nụ cười mãn nguyện: “Nếu tính theo giá của thị trường, đồi keo của gia đình tôi có giá hơn 2 tỷ đồng”.
Ông Trọng cho biết, được trồng trước năm 2005, sau 5 năm, gần 6ha keo chỉ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhận thấy việc thu hoạch keo sớm không hiệu quả, ông Trọng tìm hướng “tái thiết” phần đất của gia đình.
“Thời điểm đấy, tôi biết thông tin nhà nước khuyến khích bà con trồng rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, ổn định. Nghe cụm từ “phát triển lâm nghiệp bền vững”, tôi nảy ra ý tưởng trồng keo lấy gỗ”, ông Trọng kể.
Nói là làm, năm 2006, ông Trọng vay mượn, thuê người trồng keo. Chi phí để đầu tư 1ha keo hết khoảng 10 triệu đồng. Năm 2016, được UBND Xuân Thái, lực lượng kiểm lâm hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký phát triển rừng gỗ lớn, ông Trọng càng tin hướng dịch chuyển từ kinh doanh “rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn” là đúng.
Nếu trồng, thu hoạch non, bán keo dăm, ông Trọng nhẩm tính 18 năm qua trồng được 3 lứa keo, mỗi lứa cho thu nhập 150 - 250 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vì kiên trì phát triển thành rừng gỗ lớn, đến nay các cây đều có đường kính trên 50cm, sản lượng gỗ tăng khoảng 3 lần. Giá thành cũng cao gấp đôi, hơn 400 triệu đồng/ha.
Theo ông, trồng rừng keo gỗ lớn chỉ tốn công chăm sóc, đầu tư những năm đầu. Sang năm thứ 5, cây không cần chăm sóc nhưng vẫn phát triển nhanh, tán rộng, người trồng không cần phát quang lớp thượng bì.
“Dưới những tán rừng gỗ lớn có rất nhiều thảm thực vật, tạo độ che phủ, bảo vệ môi trường, giữ đất, chống xói mòn, giữ mạch nước ngầm ở vùng đồi núi…”, ông Trọng cho hay.
Đang sở hữu rừng lim xanh hơn 20 năm tuổi, gia đình bà Vũ Thị Thủy (75 tuổi, thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) có trong tay tiền tỷ. Bà Thủy nhớ, năm 2002, gia đình nhận thầu 13ha đất đồi Thanh Quang, thời gian thầu 50 năm.
Lúc nhận đất, trên khoảnh đồi khô cằn, cỏ cây um tùm có 2 cây lim xanh cổ thụ. Hàng năm, hai cây lim đơm hoa, kết trái. Khi trái lim khô, rụng xuống đất, bà cùng chồng lại nhặt, ươm cây rồi trồng.
Cứ thế, từ hai cây lim ban đầu, đến nay khu đồi của gia đình đã được phủ xanh bởi hàng trăm cây lim xanh, đường kính lớn. Để có rừng gỗ quý lớn, gia đình bà không tiếc công sức, thời gian chăm sóc, luôn có ý thức giữ gìn, nhân rộng giống lim.
Anh Lê Văn Tươi (35 tuổi, con trai thứ 7 của bà Thủy) cho biết, hồi nhỏ, ngoài lúc đi học, anh cùng bố mẹ và các anh, chị em lên đồi cắt tỉa, chăm sóc lim xanh. Lớn lên bên những cánh rừng, anh Tươi hiểu ý nghĩa của việc trồng rừng.
Theo anh, bên cạnh duy trì, cung cấp nguồn gỗ chất lượng thì dưới những tán rừng gỗ lớn còn là nơi tập trung của nhiều cây thuốc quý hiếm, là nguồn dược liệu dồi dào. Hiểu được từng “hơi thở” của rừng, tâm nguyện của người cha quá cố, gia đình anh quyết tâm giữ lại rừng lim xanh.
Để chữ “E” trong trồng rừng gỗ lớn
Ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Như Thanh cho biết, phát triển cánh rừng gỗ lớn là thực hiện mục tiêu “5 trong 1”, gồm: Tăng thu nhập cho người dân;
Thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp bền vững; phát triển, bảo tồn đa dạng sinh vật, nguồn gen quý hiếm; đảm bảo môi trường xanh, bổ sung chất dinh dưỡng và bảo vệ môi trường tài nguyên đất, nước, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo quy định, diện tích phát triển cánh rừng gỗ lớn đối với hộ gia đình phải từ 5ha; các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp có diện tích liền vùng từ 100ha trở lên. Thời gian thâm canh trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ sản xuất từ 10 năm trở lên.
“Tuy thời gian thâm canh trồng rừng gỗ lớn dài nhưng thực tế người trồng chỉ cần chăm sóc cây trong 5 năm năm đầu. Những năm sau, cây không cần chăm sóc mà vẫn phát triển. Khi cây được 5 năm tuổi, những rủi ro về thời tiết như dông lốc, bão, lũ… cũng không còn là vấn đề phải lo lắng”, ông Sỹ nói.
Giai đoạn 2016 - 2021 và định hướng đến năm 2030, huyện Như Thanh xây dựng Đề án Phát triển rừng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh tái sinh. Hiện, huyện có hơn 3.700ha rừng trồng gỗ lớn.
“Năng suất, giá trị kinh tế của rừng gỗ lớn tăng 4 lần so với gỗ bé. Thu nhập cao từ rừng gỗ lớn mang lại lợi ích cho người trồng, góp phần tích cực vào thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới bền vững”, ông Sỹ nhận định.
Theo ông Sỹ, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích người dân khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh, nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang bản sắc văn hóa bản địa, để nâng cao giá trị sản xuất rừng trồng.
Ông Lại Thế Chiến, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết, cùng với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, rừng sản xuất khi phát triển thành rừng gỗ lớn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững.
Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên việc phát triển rừng gỗ lớn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn còn manh mún; hạ tầng phát triển lâm nghiệp chưa đồng bộ, cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp nghèo về cơ cấu, chất lượng giống, định hướng cây trồng theo sản phẩm của từng vùng chưa rõ nét;
Các doanh nghiệp chế biến lâm sản ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế; việc trồng và kinh doanh rừng chủ yếu là sản phẩm gỗ băm dăm, xuất khẩu thô, hiệu quả kinh tế chưa cao.
“Chu kỳ trồng gỗ lớn dài (ít nhất trên 10 năm), trong khi đó một bộ phận người dân vẫn có thói quen “ăn xổi”, không kiên trì đợi cây lớn thành rừng. Trong một thập kỷ đợi cây lớn, người trồng gặp nhiều rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường, dẫn đến việc phát triển rừng gỗ lớn chưa có sức hút”, ông Chiến nói.
Dưới góc nhìn của người có thâm niên bảo vệ, phát triển rừng, ông Chiến cho rằng, ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các chủ rừng tập trung được diện tích lớn để trồng rừng gỗ lớn.
Nguồn kinh phí thực hiện trồng rừng gỗ lớn không chỉ gói gọn trong phạm vi nguồn ngân sách nhà nước (15 triệu đồng/ha/chu kỳ ít nhất 10 năm) mà cần được đa dạng bằng việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác.
Nhà nước cần có chế tài ràng buộc đối với các hộ, cá nhân, tổ chức rừng khi tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn…
Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tỉnh hiện có 56.000ha rừng trồng gỗ lớn, tập trung ở các huyện: Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành…
Việc đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn được thực hiện trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch; sớm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao; cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho chế biến tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Thái, gần 10 năm thực hiện mô hình rừng gỗ lớn, bên cạnh những giá trị về môi trường và xã hội, kinh tế lâm nghiệp bước đầu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, bền vững.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng là 900.000 m3/năm; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2023 ước đạt 2.242 tỷ đồng, tăng trên 800 tỷ đồng so với năm 2015 (lúc chưa thực hiện trồng rừng gỗ lớn).
“Để chữ “E” trong ESG được thực hành trong phát triển rừng gỗ lớn, chúng tôi sẽ nỗ lực tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con, huy động mọi nguồn lực xã hội để nhân lên những cánh rừng xanh, hướng tới mục tiêu tạo thu nhập cao từ rừng cho người dân;
Phát triển rừng bền vững, góp phần chống xói mòn và tạo “lá chắn xanh” trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai”, ông Thái bộc bạch.
Bài, ảnh: Hạnh Linh
Báo Lao động và Xã hội số 147