PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, giàu chất xơ, các loại hạt, các thực phẩm ít đường, ít muối,… là nguồn thực phẩm rất quan trọng, rất tốt cho sức khỏe người dân.
“Việt Nam đang đối diện với 3 gánh nặng kép về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì”, bà Mai nói.
Đương đầu với một số thách thức lớn
Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.
Hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu gồm tiếp tục chuyển đổi thành quốc gia cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm nhằm tạo ra những thay đổi bền vững, sâu rộng của cả hệ thống.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 12% GDP của quốc gia (2022).
Trong 10 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu nông sản đạt 43,08 tỉ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.
Chưa kể, “người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô. Thái độ, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng - là chủ thể và là trung tâm của hệ thống lương thực thực phẩm - còn hạn chế về dinh dưỡng, về tiêu dùng xanh và có trách nhiệm, về chống thất thoát lãng phí thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, cũng vẫn ông Lê Minh Hoan thông tin, Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng, đó là thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao ở khu vực vùng miền núi, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực thành thị.
Thế giới mất hàng tỷ USD mỗi năm vì ăn uống không đa dạng
Chung quan điểm, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai đánh giá, hầu hết chúng ta ăn uống không đáp ứng theo hướng dẫn chế độ ăn hợp lý, lành mạnh. Một khẩu phần nghèo nàn, thiếu tính đa dạng, không hợp lý, không lành mạnh góp phần tới 10% cho tỷ lệ tử vong hàng năm.
Ước tính thế giới mất hàng tỷ USD mỗi năm liên quan đến ăn uống không đa dạng, đầy đủ, lành mạnh.
“Bữa ăn truyền thống của người Việt Nam là một bữa ăn rất lý tưởng, bản thân các quốc gia trên thế giới cũng đánh giá rất cao bữa ăn truyền thống của Việt Nam. Đây là bữa ăn nếu như chúng ta đảm bảo chất lượng, an toàn và đa dạng thêm nữa thì chúng tôi cho rằng tương đương với các bữa ăn của Okinawa (Nhật Bản) và Địa Trung Hải và chúng tôi cố gắng khôi phục điều này”, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai chia sẻ.
Cho biết, FAO rất vinh dự được cùng với các bên liên quan tham gia quá trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, ông Rémi Nono Womdim - Đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam (FAO) khẳng định, sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch này.
Theo đó, kế hoạch này tập trung vào bốn trụ cột: Khoa học, đổi mới và dữ liệu; Chính sách, chiến lược và các chương trình; Tài chính; và Quan hệ đối tác.
Để chuyển đổi thành công hệ thống lương thực thực phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp, tư nhân và người dân cùng chung tay thực hiện theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.
“Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới”, ông Hoan nói.
Nguyễn Thanh