Theo phong tục của người Việt, mỗi dịp Tết người lớn sẽ tặng cho trẻ nhỏ những phong bao lì xì màu đỏ kèm lời chúc tốt đẹp, may mắn. Việc được nhận phong bao lì xì ngày Tết có lẽ cũng là điều mà trẻ con mong đợi nhất.
Tuy nhiên, phụ huynh nên hướng dẫn con cách sử dụng tiền lì xì đúng cách, để trẻ hiểu đúng ý nghĩa của phong tục này và ý thức được trách nhiệm bản thân.

Lập kế hoạch sử dụng số tiền lì xì trong cả năm
"Gợi ý sẽ giữ hộ con số tiền mừng tuổi ngày Tết nhưng con gái 12 tuổi không đồng ý, không những thế, còn tỏ thái độ khó chịu, nhất quyết đòi tự mình giữ tiền lì xì. Thậm chí, con gái còn hào hứng lên kế hoạch chi tiết cho việc chi tiêu số tiền đó, nào là mua quần áo, mua đồ chơi, lì xì cho bạn thân...", chị Tuyết (Hà Nội) chia sẻ.
Chị Tuyết rất lo lắng vì tổng số tiền mừng tuổi cũng gần 1 triệu đồng chứ không ít. Sợ con không biết chi tiêu hợp lý, mua đồ phung phí, thậm chí có thể còn đua đòi mua những đồ không tốt cho sức khỏe như thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thuốc lá điện tử…
Để thỏa hiệp với con về việc sử dụng tiền lì xì, sau khi tham khảo ý kiến của một số phụ huynh khác, chị Tuyết đã thương thảo với con về việc sử dụng tiền mừng tuổi một cách chi tiết, một phần nhỏ để mua sắm trang thiết bị học tập, một phần để nộp tiền học năng khiếu, một phần để mua quà sinh nhật tặng bạn thân.
Sau khi con gái nghe đề xuất của mẹ thì đồng ý ngay, lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị chia sẻ thêm, việc chi tiêu số tiền mừng tuổi phục vụ cho việc học tập sẽ giúp trẻ cảm thấy tự hào và nỗ lực hơn để hoàn thành việc học.
Một cách khác nữa phụ huynh có thể áp dụng, chắc chắn sẽ rất hiệu quả, đó là lập một danh sách chi tiêu trong 12 tháng gồm: ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua dụng cụ học tập... Số tiền mừng tuổi của con sẽ được chia thành 12 phần tương đương với 12 tháng trong năm.
Hằng tháng bố mẹ sẽ chuyển lại số tiền đó cho con, con có thể tự xử lý mọi chi tiêu trong tháng, việc làm này sẽ là bài học về tính tự lập trong nếp sống của con trẻ.

Dịp để giáo dục trẻ hướng thiện
Chia sẻ về phong tục lì xì trẻ con ngày Tết, bà Thiên (70 tuổi, tại Thanh Hóa) nói, gia đình bà cũng giống như nhiều gia đình Việt, sau thời khắc giao thừa thì người lớn trong nhà sẽ bắt đầu gửi những phong bao lì xì cho con cháu.
"Việc làm đó để bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm và mong con cháu nhận được thật nhiều điều tốt đẹp khi bước sang năm mới. Dù số tiền đó không nhiều nhưng mang giá trị tinh thần rất lớn”, bà Thiên nói.
Khi sở hữu số tiền lớn, nếu để trẻ nhỏ tùy ý sử dụng sẽ khiến các bậc cha mẹ khó kiểm soát. Hơn thế nữa, các con đang ở độ tuổi phát triển nên thường rất thích mua sắm những món đồ cho riêng mình, không nghĩ đến việc chia sẻ cho người khác.
“Đây cũng là dịp để cha mẹ có cơ hội dạy con trẻ bài học về sự chia sẻ và hành động hướng thiện. Tôi luôn phân tích cho các cháu hiểu không phải ai cũng sinh ra trong điều kiện đủ đầy và ấm no, vẫn còn rất nhiều bạn nhỏ chưa có đủ cơm ăn, áo mặc, không được đến trường.
Vì vậy, các cháu phải biết thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ trước những số phận bất hạnh. Việc làm thực tế nhất là trích ra một phần tiền mừng tuổi, dù ít hay nhiều đều được để dành tặng những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”, bà Thiên chia sẻ thêm.
Bỏ heo đất tiết kiệm
Tết năm nào cũng vậy, Anh Cương (Nam Định) đều dùng số tiền lì xì của hai con để mua vàng để dành.
Anh chia sẻ: “Nếu để tiền mặt thì một lúc nào đó cần tiền chắc chắn mình sẽ lấy ra tiêu, vì vậy đã 10 năm nay, tiền lì xì của con mình đều mua vàng, đến khi con trưởng thành, con cũng có khoản để dành "ra tấm ra món" từ chính tiền mừng tuổi hằng năm”.
Phụ huynh cũng có thể giáo dục cho trẻ về tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai bằng cách đề xuất con bỏ tiền mừng tuổi vào heo tiết kiệm, đến cuối năm, khi số tiền tiết kiệm được kha khá thì phụ huynh có thể định hướng cho trẻ về khoản tiết kiệm này sẽ dùng vào việc gì, chẳng hạn mua xe, mua đồng phục, mua đồ dùng học tập…