Xuất khẩu dệt may nằm top 3 thế giới
Báo cáo mới đây của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS cho biết, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may) đã ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp có mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 54%.
Nhìn về triển vọng lợi nhuận cho TNG vào năm 2025, chuyên gia phân tích của ABS dự kiến sẽ cải thiện so với năm 2024 nhờ vào lượng đơn hàng dự báo gia tăng từ cả tệp khách hàng cũ và mới.
Hiện tại, lượng đơn hàng của TNG được lấp đầy đến quý I/2025 nhờ gia tăng từ các tập khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad. Và dự kiến công ty sẽ tiếp tục đàm phán để kiếm đơn hàng cho đến quý II/2025.
Còn CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lượng đơn hàng từ thị trường châu Á. Gần đây, TCM đẩy mạnh đơn hàng đến Hàn Quốc, nhất là nguồn đơn hàng từ Tập đoàn E-Land với 10 triệu sản phẩm may trong năm nay (cao gấp đôi so với năm 2023).
Bên cạnh việc phát triển dòng khách hàng mới, để đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp đang thay đổi các mặt hàng cơ bản sang mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng các công nghệ mới.
Trong tháng 10, thị trường châu Á đóng góp 62,9% vào tổng doanh thu của Dệt may Thành Công bên cạnh doanh thu từ thị trường châu Mỹ chiếm 31,7%; châu Âu chiếm 4,7% và châu Đại Dương chiếm 0,7%.
Tính chung 10 tháng, công ty mẹ Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 134 triệu USD và lãi ròng đạt 10,3 triệu USD, lần lượt tăng 15% và 44% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may Thành Công đã và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 1/2025.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đã có những bước phát triển ấn tượng trong suốt 25 năm.
Từ chỗ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines… đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2024, những tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và sự chuyển dịch mạnh đơn hàng giúp doanh nghiệp trong nước có đơn hàng dồi dào trong quý III và IV đã giúp ngành dệt may cán đích ngoạn mục với kim ngạch lên tới 44 tỷ USD.
Những thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng. Thị trường ASEAN, Nga, Canada... đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47 - 48 tỷ USD. Điểm thuận lợi là các doanh nghiệp dệt may hầu hết đã có đơn hàng cho quý I/2025 và bắt đầu đàm phán các đơn hàng cho quý II/2025.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến mục tiêu 16 tỷ USD
Hoạt động xuất khẩu của ngành đồ gỗ đang hướng tới mang về 15,5 - 16 tỷ USD cho năm 2024 với khả năng tăng trưởng 15 - 17%. Sự phục hồi tích cực của thị trường đã thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng đáng kể trong 11 tháng của năm nay với kim ngạch hơn 14,6 tỷ USD.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần trên 50%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo.
Để có những thành quả, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch, CTCP Woodsland cho biết: "Mỗi tháng, chúng tôi xuất khẩu khoảng 250 container đi các thị trường châu Âu và Mỹ, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023.
Hiện, kho hàng chờ xuất khẩu của công ty luôn sẵn hàng dự trữ. Nhà máy đang gấp rút sản xuất những tháng cuối năm để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cho các thị trường nước ngoài. Chúng tôi kỳ vọng số tăng trưởng này sẽ lớn hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm".
Còn CTCP gỗ Đức Thành gần đây có đơn hàng lớn lên tới 1 triệu USD với đối tác lâu năm ở Pháp. Trong đó, đối tác yêu cầu một phần của đơn hàng trị giá khoảng 250.000 USD phải được giao gấp chỉ trong vòng 3 tuần giữa mùa cao điểm cuối năm.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, cùng với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.
“Không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Việc tổ chức các sự kiện hội chợ ngành gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế. Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm nay, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt gần 16 tỷ USD", ông Lập nhận định.
Theo ông Lập, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là mục tiêu trọng điểm. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.
Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới nổi như Canada, Australia và Trung Đông, nơi nhu cầu tăng cao và cạnh tranh chưa quá gay gắt.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực song giới chuyên gia lưu ý, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý, giá cước vận tải tăng cao, cộng với việc nhiều doanh nghiệp Việt phải nhập nguyên liệu gỗ từ các quốc gia khác với giá thành cao;
Có những loại gỗ giá nhập vào đã tăng 40% so với năm trước cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra của ngành gỗ, từ đó tác động đến giá cước vận tải biển làm tăng giá thành sản phẩm.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 149