Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Nỗ lực truyền dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho học sinh

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Học sinh rất ít khi sử dụng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là vấn đề cấp thiết, nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa.

Tiếng mẹ đẻ là niềm tự hào, tự tôn dân tộc

CLB dan toc Tay.jpg
Mô hình CLB dạy tiếng Tày trong nhà trường là sân chơi bổ ích cho các em học sinh.

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung, thì 53 dân tộc thiểu số (DTTS) cũng có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà có những ngôn ngữ được gìn giữ, bảo tồn; một số ngôn ngữ đã mai một và cũng có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất. 

Trước thực trạng này, những hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị của ngôn ngữ dân tộc được đồng bào DTTS hưởng ứng rất mạnh mẽ. Nhiều người già, nghệ nhân đã tự đứng ra mở lớp dạy tiếng, dạy chữ cho lớp trẻ với mong muốn các em không quên tiếng mẹ đẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng DTTS) bằng 8 thứ tiếng dân tộc (gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào DTTS. Dựa trên bộ tài liệu này, hiện nay cả nước có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học ngôn ngữ DTTS trong nhà trường.

Nhiều địa phương triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông và đã đạt được kết quả tốt. Tỉnh Sơn La đặt kế hoạch mỗi năm mở khoảng 9 lớp với 400 học viên; Tỉnh Bình Thuận dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học 4 tiết/tuần; Tỉnh Lào Cai cũng tổ chức dạy song ngữ trong một số trường học trên địa bàn...

Giúp giới trẻ thêm yêu văn hóa dân tộc 

day tieng me de.jpg
Học ngôn ngữ DTTS khiến học sinh thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc.

Với mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết các DTTS, Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), đã thành lập “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh dân tộc Mông, Dao, Tày. 

“Tiết học” tiếng Mông của nhóm học sinh “CLB dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” (CLB) diễn ra sôi nổi với hơn 30 thành viên. Em Tráng Tiến Dũng học sinh lớp 10A là “giáo viên” đứng lớp, tâm sự: “Khi nhà trường thành lập CLB, em đăng ký tham gia. Một tuần một lần, em cùng các bạn trong CLB bàn chủ đề cho buổi sinh hoạt định kỳ như: giao tiếp cơ bản, vật dụng trong gia đình, một số hoạt động hằng ngày… với “giáo trình” tự biên soạn qua tìm hiểu từ thực tế kết hợp với sưu tầm và tham khảo trên Internet. Các tiết học diễn ra theo hình thức người biết dạy cho người chưa biết. Chúng em còn dạy nhau hát các bài hát truyền thống của dân tộc mình”.

Là thành viên trong nhóm tiếng Mông, em Giàng Thị Hà, lớp 11A  chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia học tiếng Mông cùng các bạn. Sau những buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, chúng em thường xuyên giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, trau dồi, học hỏi lẫn nhau, làm phong phú hơn vốn từ của mình. Về nhà, em cũng chăm chỉ nói tiếng mẹ đẻ với mọi người trong gia đình”.

CLB học tiếng Tày cũng thu hút đông thành viên tham gia. Mỗi buổi sinh hoạt xoay quanh một chủ đề và học sinh sẽ trao đổi, chia sẻ với nhau. Các em học sinh có môi trường để giao tiếp, sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn.

Em Phạm Duy Khương, học sinh lớp 11B cho biết: "Trước mỗi buổi lên lớp, em đều dành thời gian để tìm hiểu nội dung và các từ mới. Càng tìm hiểu, em càng thấy yêu hơn tiếng dân tộc của mình. Ngoài các giờ tham gia CLB, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng em cũng sử dụng tiếng Tày nhiều hơn. Về nhà, em cũng giao tiếp bằng tiếng Tày với bố mẹ. Không chỉ dạy tiếng nói, chữ viết, CLB còn lồng ghép dạy những làn điệu dân ca Tày, đàn tính, điệu then rất vui”.

hoc ngon ngu DTTS.jpg

 

Theo cô Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng: “Những năm qua, thế hệ trẻ phần đông không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Do vậy, việc thành lập và duy trì hoạt động CLB là rất cần thiết.

Với mục tiêu không để học sinh DTTS nào không biết tiếng nói của dân tộc mình, CLB đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh và sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng CLB trong những năm học tới".

Gieo thêm niềm tự hào về văn hóa Khmer, giúp học sinh chủ động tìm hiểu, tạo sân chơi để các em được rèn luyện về ngôn ngữ là mục tiêu của CLB ngôn ngữ Khmer tại Trường PTDTNT tỉnh Cà Mau. CLB được duy trì chính là mong muốn học sinh thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp truyền thống của các giáo viên. 

Hai năm qua, CLB là sân chơi quen thuộc của học sinh Trường PTDTNT tỉnh Cà Mau. Em Lê Hữu Khánh Vy, học sinh lớp 11C3, chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, em đã hiểu hơn về ý nghĩa của các dịp lễ, hội của dân tộc Khmer. Em tự hào hơn và cũng đam mê tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ Khmer”.

CLB ngôn ngữ Khmer duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt định kỳ, với chủ đề sinh hoạt theo từng tháng. Tham gia CLB, các em học sinh được tìm hiểu sâu hơn về nét đẹp tết Sen Dolta, lễ hội Ok Om Bok…

Thành viên CLB còn được khuyến khích trò chuyện, trao đổi bằng ngôn ngữ Khmer để luyện kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ dân tộc mình. Học sinh Lý Minh Khôi cho biết, từ khi tham gia CLB em đã mạnh dạn hơn trong trò chuyện bằng tiếng Khmer. 

Có thể nói, việc dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho học sinh góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị của ngôn ngữ dân tộc, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Những CLB truyền dạy ngôn ngữ dân tộc tại nhiều địa phương đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc vừa giúp các DTTS duy trì các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa bảo đảm sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các giá trị văn hóa và giáo dục.

 

Kim Liên

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan