Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn hoặc bằng bình quân chung các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mỗi năm từ 1% trở lên…
Tỉnh Quảng Bình triển khai đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; chú trọng đổi mới cách tiếp cận, giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại...
Những năm qua, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã và đang tạo chuyển biến rõ nét về diện mạo hạ tầng cũng như đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Thực tế, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáp ranh biên giới, hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động...
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Bình thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Giai đoạn này, phấn đấu cơ bản thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; giai đoạn 2022 - 2025, hơn 80% số đơn vị cấp huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên (xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 4% trở lên).
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết: " Ngay từ đầu giai đoạn, tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương.
Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo".
"Phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; khơi dậy ý chí, nội lực của chính hộ nghèo để giảm nghèo bền vững… Đặc biệt, cần đánh giá đúng thực trạng đời sống hộ nghèo, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững, chú trọng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Tỉnh cũng sẽ huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình sinh kế, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng… ", ông Sơn chia sẻ thêm.
"Đồng thời, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; xây dựng và phát triển đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường vai trò các đoàn thể trong việc vận động nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách quản lý về giảm nghèo…
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã và đang có những cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong đó, nhờ chú trọng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động các nguồn lực sẵn có để có giải pháp giảm nghèo bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.
Anh Hồ Phình ở xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), từng thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên thiếu ăn, song, nhờ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản và vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi.
Nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện, đời sống được nâng lên, có tiền cho con ăn học, năm 2022, anh đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác.
Thực tế, để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương ở Quảng Bình đều có những cách làm khác nhau để phù hợp với thực tiễn, với từng vùng đất và con người.
Đơn cử như huyện Quảng Ninh, ngoài thiết lập xây dựng các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế, huyện đã trích ngân sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng khó khăn, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo...
Có thể thấy, trong công tác giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình đã định hướng rất rõ: đối với hộ nghèo có khả năng thoát nghèo thì quan trọng nhất là giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.