Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Quyết sách quan trọng kéo dài 7 năm giúp giảm nghèo miền Tây xứ Thanh

Thu Hương
Thu Hương

Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án Chương trình với trọng tâm là công tác đói giảm nghèo, đưa các huyện miền núi phát triển, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi.

Qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của 11 huyện miền núi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh.

Những quyết sách hiệu quả

Cùng với các chính sách phổ quát, bao trùm được triển khai trên diện rộng như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hướng đến các đối tượng cũng “đặc thù” không kém. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cho biết: "Ngoài các chính sách riêng có, đã triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực kể trên, không thể không nhấn mạnh đến một chính sách có sức nặng, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, từng bước đưa công cuộc giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa nói chung, khu vực miền núi nói riêng, cán đích các mục tiêu lớn. 

Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020.

Một quyết sách kéo dài 7 năm, thành quả đạt được có lẽ không thể ấn tượng hơn: Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh.

Trong đó, riêng 7 huyện nghèo là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân tốc độ này cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh", ông Tùng nhấn mạnh. 

Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 bình quân giảm 5,5%/năm (giảm 11.388 hộ) và giai đoạn 2016-2019 giảm 4,62%/năm (giảm 44.491 hộ). Thu nhập bình quân/người/năm đạt 33,1 triệu đồng (năm 2020) và gấp 3,31 lần so với năm 2012". 

Đặc biệt, năm 2018 huyện Như Xuân đã thoát khỏi diện huyện nghèo và là 1 trong 8 huyện của cả nước thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

 Ngoài ra, đã có 592/1.787 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 33,12%); 63/225 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 28%).

Quyết sách quan trọng kéo dài 7 năm giúp giảm nghèo miền Tây xứ Thanh - 1
Ông Lê Phi Lộc ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, Lang Chánh, Thanh Hóa thoát nghèo từ nuôi gà

Miền Tây xứ Thanh “thay da đổi thịt”

Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, khu vực các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giờ đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Hàng ngàn hộ dân từ cảnh nghèo đói đã có sự bứt phá, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.

Tại huyện Bá Thước, một trong sáu huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, chương trình giảm nghèo hiệu quả đang được triển khai, với mục tiêu không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn duy trì sự bền vững.

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã có sự thay đổi căn bản so với các giai đoạn trước. Thay vì hỗ trợ đơn thuần, cơ chế hỗ trợ hiện tại yêu cầu người dân phải đáp ứng các điều kiện nhất định. 

Điều này không chỉ tập trung vào việc giảm nghèo về thu nhập mà còn nhằm đảm bảo rằng các hộ gia đình đã thoát nghèo sẽ không rơi vào tình trạng tái nghèo.

Để hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo và không tái nghèo, huyện Bá Thước đã tăng cường nguồn vốn giảm nghèo thông qua ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số vốn hơn 710 tỷ đồng. 

Số tiền này được tập trung vào việc hỗ trợ tạo sinh kế và việc làm mới, nhằm cung cấp nền tảng vững chắc cho người dân xây dựng cuộc sống bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Ngọ Đình Hải nhấn mạnh: "Để các hộ dân thoát nghèo và không tái nghèo, huyện Bá Thước đã tăng cường nguồn vốn giảm nghèo thông qua ngân hàng chính sách xã hội với hơn 710 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm mới". 

Để giảm nghèo một cách nhanh chóng và bền vững, việc tăng cường nguồn vốn cho các chương trình hỗ trợ là rất quan trọng. Đảng, Nhà nước, và Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng chính sách xã hội và các địa phương tăng thêm nguồn vốn để tạo sinh kế và việc làm tại các vùng khó khăn. 

Nhờ đó, hơn 21 triệu hộ dân đã được vay vốn ưu đãi, hơn 3,1 triệu hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, và hơn 4,2 triệu lao động đã vay vốn để tạo việc làm.

Ông Lê Phi Lộc ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, Lang Chánh, Thanh Hóa, là một ví dụ điển hình về hiệu quả của việc vay vốn ưu đãi. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình tạo việc làm, ông đã mở rộng chuồng trại để nuôi tới 4000 con gà. 

Mỗi tuần, ông xuất chuồng một lần và thu nhập bình quân hàng tháng của ông lên đến gần 20 triệu đồng. Ông Lộc chia sẻ: "Chọn nuôi gà có thị trường ổn định, giúp gia đình có thu nhập tốt và con cái không phải đi làm xa."

Sự chăm chỉ và nỗ lực, cùng với việc thay đổi tư duy đã giúp nhiều hộ gia đình từ nghèo trở thành cận nghèo và rồi thoát nghèo. Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định và tránh tái nghèo, cần có sự hỗ trợ tiếp tục. 

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết, "Khi đã thoát nghèo và trở thành hộ trung bình, cần có thêm hỗ trợ để đảm bảo không tái nghèo."

Tại nhiều xã ở 6 huyện đặc biệt khó khăn của Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn trên 40%. Nhiều mô hình mới đang được áp dụng để thay đổi thói quen canh tác truyền thống như trồng mía, keo, luồng, sắn, với mục tiêu nâng cao thu nhập và giá trị sản phẩm. Sự thay đổi tư duy và chủ động từ chính người nghèo là yếu tố then chốt trong việc cải thiện cuộc sống.

Tính đến nay, không thiếu vốn cho giảm nghèo. 100% địa phương cấp tỉnh và cấp huyện trên cả nước đã bố trí ngân sách ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình giảm nghèo đạt trên 48.000 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách hiện đạt trên 373.000 tỷ đồng, với tổng dư nợ cho vay gần 351.000 tỷ đồng. Đây là động lực tài chính quan trọng giúp giảm nghèo nhanh và bền vững tại các vùng khó khăn trên toàn quốc.

Tin liên quan