Tại phiên Toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025, diễn ra ngày 26/2, tại Hà Nội, Chủ tịch ASEAN năm 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar bin Ibrahim cho rằng, “ASEAN cần nghiên cứu, tham khảo những bài học của Việt Nam. Việt Nam đã tạo nên câu chuyện thành công với xuất phát điểm từ nghèo khó, tạo ra được tăng trưởng kinh tế và của cải dồi dào, hướng tới trở thành quốc gia hiện đại, tiên tiến”.
ASEAN cần nghiên cứu, tham khảo những bài học của Việt Nam

Phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao, Chủ tịch ASEAN năm 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar bin Ibrahim nhấn mạnh, Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công đáng ngưỡng mộ, là minh chứng cho hành trình vươn lên từ nghèo khó để trở thành quốc gia hiện đại, tiên tiến, phát triển kinh tế hiện đại.
Thủ tướng Anwar bin Ibrahim cho biết, ông đã tới Việt Nam khi còn rất trẻ và đã quen với các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Malaysia ủng hộ tinh thần của người dân Việt Nam.
“Cá nhân tôi muốn tới Điện Biên Phủ - biểu tượng của chiến tranh du kích Việt Nam. Và tôi cũng biết Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển 7% trong năm qua, đó là một nỗ lực ấn tượng.
Các bạn đã cho thấy nỗ lực kiên cường trong phát triển kinh tế, đảm bảo công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nền ngoại giao đặc sắc. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ Thủ tướng Phạm Minh Chính”, Thủ tướng Anwar bin Ibrahim chia sẻ.
Theo Thủ tướng Anwar bin Ibrahim, hiện ASEAN vẫn là khu vực hòa bình, an toàn, tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới; ASEAN đang tiến vào kỷ nguyên mới, đổi mới và chuyển mình.
Tuy nhiên, trong cạnh tranh và chia rẽ, nhất là cạnh tranh thương mại, rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, mang lại cả cơ hội và thách thức, Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN "phải tỏa sáng như ngọn đèn hy vọng", củng cố vai trò trung tâm, tăng cường đoàn kết giữa các thành viên, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, duy trì vị thế trong thương mại toàn cầu, phát triển kinh tế xanh…
Ông cho biết Malaysia và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy điều này. Đặc biệt, Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN cần nghiên cứu, tham khảo những bài học của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. ASEAN phải phát triển quan hệ thực chất, cân bằng với các cường quốc cũng như với các nước khác; tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Ông cũng đánh giá cao sức sống mạnh mẽ, nỗ lực kiên cường và những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt tăng trưởng GDP hơn 7% trong năm 2024, triển khai đường lối ngoại giao đặc sắc.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là động cơ phát triển kinh tế thương mại thế giới nhưng cũng là điểm nóng cạnh tranh.
Ông cho rằng cần đề cao tham vấn, đối thoại, các nguyên tắc và luật lệ để phòng ngừa, quản lý rủi ro, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời cho rằng vai trò này cần luôn luôn cập nhật, thích ứng tình hình.
Đánh giá ASEAN là khu vực năng động nhất thế giới, Thủ tướng New Zealand cho biết nước này cam kết duy trì và tăng cường hợp tác, cải thiện quan hệ với ASEAN, với nhiều cơ hội hợp tác rất lớn về thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác phát triển và an ninh quốc phòng.
"Chúng tôi đánh giá cao, cảm ơn Việt Nam trong vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - New Zealand. Chúng tôi muốn nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện và không bao giờ lơi là mối quan hệ này", ông nói.
Tăng cường vai trò của ASEAN trong xóa đói giảm nghèo, vấn đề giải quyết các xung đột
Đặc biệt, tại Phiên toàn thể cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Timor Leste, Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng New Zealand đã có trao đổi, hỏi đáp, thảo luận với các đại biểu tham dự Diễn đàn về các vấn đề quan tâm như: Phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, nỗ lực của Timor Leste để gia nhập ASEAN, an ninh, phòng chống tội phạm mạng, hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn..
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề tự lực, tự cường, tự chủ chiến lược đối với mọi quốc gia, mọi tổ chức trên thế giới, trong đó có Việt Nam và ASEAN.
Theo Thủ tướng, vấn đề này được thể hiện ở sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại trên cơ sở luật lệ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển; sự phát triển về kinh tế để không bị tụt hậu; quốc phòng, an ninh được củng cố phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần; giữ gìn, phát huy văn hóa, bản sắc.
Trong phần đối thoại hỏi đáp trực tiếp, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra với các nhà lãnh đạo xoay quanh các nội dung liên quan đến chống biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh mạng, phát triển trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vai trò trung tâm của ASEAN.
Đặc biệt đối với việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ASEAN phải thể hiện vai trò trung tâm ở trong nội khối, về các vấn đề liên quan đến xung đột, liên quan đến căng thẳng, liên quan đến những vấn đề thế giới hiện nay.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước hết mỗi nước có một chính sách, hành động và mang lại hiệu quả cho hòa bình hợp tác và phát triển hiện nay trên thế giới; thứ hai ASEAN phải tổng hòa các hiệu quả của các nước trong ASEAN để truyền cảm hứng tạo động lực cho các khu vực khác, cho các nước trên thế giới.
Vấn đề thứ hai là vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, theo Thủ tướng chúng ta không những phải tham gia vào các vấn đề trong khu vực, mà chúng ta còn phải góp phần dẫn dắt cuộc chơi này đi đến kết quả cao nhất, đó là một thế giới được hòa bình, hợp tác, phát triển, người dân ngày càng được hạnh phúc ấm no.
Về vai trò trung tâm của ASEAN trên thế giới, Thủ tướng cho rằng, dựa vào nền tảng là chúng ta đã có quan hệ về hợp tác, đối tác với 25 quốc gia trên thế giới này, nhất là 6 quốc gia có đối tác chiến lược toàn diện trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc và các đối tác chiến lược để phát huy cơ chế hợp tác nhằm tăng cường vai trò và ảnh hưởng của ASEAN trong giải quyết những vấn đề nóng, vấn đề nổi lên trên thế giới hiện nay.
Ví dụ như vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xóa đói giảm nghèo, vấn đề giải quyết các xung đột, vấn đề xử lý các vấn đề cạnh tranh chiến lược, chống biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, liên quan đến Internet vạn vật là những vấn đề thế giới đang phải phát triển và thích ứng với nó.
Nói về vai trò của thanh niên đối với khí hậu thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới đang đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có biến đổi khí hậu, với diễn biến thời tiết, khí hậu cực đoan phức tạp.
Đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, nên cần có cách giải quyết toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm. Theo đó, phải đoàn kết quốc tế, với việc các nước phát triển giúp các nước chậm phát triển, đang phát triển về xây dựng thể chế, khoa học công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh trong chống biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã truyền đi thông điệp với các bạn trẻ ASEAN: "Đối với bạn trẻ, tôi nghĩ rằng, trước hết là học tập, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực kiến thức của mình.
Từ đó, các bạn trở thành một công dân mang tính toàn cầu, có tư duy, cách tiếp cận và phương pháp luận để giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia và cho toàn thế giới. Mỗi bạn trẻ phải là một sứ giả của hòa bình, sứ giả của sự phát triển và thịnh vượng cho mỗi quốc gia, cho chính bản thân các bạn và cho toàn thế giới này".
Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023). Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thứ nhất năm 2024, Diễn đàn năm nay có hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó có trên 230 đại biểu quốc tế, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2024. Với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động" Diễn đàn có sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng nhiều học giả uy tín trong và ngoài nước. |
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 25