Đồng thời, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con. Lô Lô Chải được ví như “miền cổ tích” nơi cực Bắc Tổ quốc.
Trưởng thôn tiên phong làm du lịch
Nằm ngay dưới chân núi Rồng nổi tiếng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngôi làng văn hóa Lô Lô Chải cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5km. Đây là nơi sinh sống, an cư lập nghiệp của người Mông và Lô Lô từ bao đời nay.
Giờ đây, làng văn hóa Lô Lô Chải được xây dựng, trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Làng Lô Lô Chải ẩn mình giữa những ngọn núi và thung lũng, cùng cảnh quan hùng vĩ, đẹp mắt, mùa xuân sẽ có sắc trắng của hoa mận, hoa ban, sắc hồng của cành đào thắm trước hiên nhà.
Người dân nơi đây sinh sống theo phương thức tự cung, tự cấp. Điểm nhấn của làng Lô Lô Chải là màu sắc văn hóa đặc trưng qua những ngôi nhà trình tường được làm từ đất đã bạc màu theo thời gian, cặp trống đồng một đực, một cái gắn liền với những điệu nhảy truyền thống, với tấm vải đỏ thờ ma cửa và những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Trước kia, người dân thôn Lô Lô Chải còn lạ lẫm với khái niệm làm du lịch, mặc dù hàng ngày du khách vẫn ghé qua chơi sau khi thăm cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Chỉ đến khi gia đình trưởng thôn làm dịch vụ đón khách, cho thu nhập khá, người dân trong thôn mới học tập, làm theo.
Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải kể về những ngày đầu làm du lịch. Đó là vào năm 2011, Đại sứ quán Luxembourg đã hỗ trợ cho 3 hộ dân trong thôn kinh phí để cải tạo lại nhà truyền thống, xây dựng công trình vệ sinh để làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian thì chỉ còn gia đình ông Gai là duy trì homestay đón khách, bởi ngày đó, người dân chưa tin làm du lịch thành công ở thôn biên giới.
Ông Gai kể: “Những ngày đầu làm du lịch cộng đồng, mình chưa có kinh nghiệm, đón khách bằng sự chân thành, mộc mạc. Khách du lịch đến nghỉ, tôi coi như người thân của gia đình. Chính sự chân thành ấy cùng nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nên chỉ sau 3 năm, homestay của gia đình tôi trở thành điểm đến nghỉ ngơi của những người thích khám phá cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số”.
Lượng khách mỗi năm thêm đông, năm 2014 và 2017, ông Gai đầu tư thêm 2 ngôi nhà truyền thống với 10 phòng khách có sức chứa khoảng 50 người. Hiện mỗi tháng gia đình ông Gai có thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ làm dịch vụ lưu trú, đồng thời tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá.
Ông Sình Dỉ Gai chia sẻ: “Mình là trưởng thôn, lại là đảng viên nên phải đi trước làm mẫu. Khi thấy mình thành công, người dân trong thôn nhận thấy hiệu quả khi đó mình nói họ mới tin. Ban đầu, việc tuyên truyền để bà con di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở rất khó khăn vì tập quán sinh hoạt. Sau một thời gian, bà con thấy mình làm du lịch hiệu quả nên làm theo”.
Với mô hình làm du lịch thành công, ông Sình Dỉ Gai vinh dự là một trong 100 nông dân xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào xây dựng nông thôn mới nơi rẻo cao.
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô
Thay đổi nhận thức, tạo thành chuỗi liên kết từ mô hình hợp tác, tạo sinh kế bền vững từ việc cùng nhau giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống thông qua du lịch, Hợp tác xã du lịch Lô Lô Chải ra đời. Anh Dìu Dỉ Thuế, thành viên hợp tác xã cho biết: “Tổ hợp tác của chúng tôi cùng nhau xây dựng Lô Lô Chải ngày càng sạch đẹp hơn. Chúng tôi hỗ trợ nhau để nhà nào cũng có khách. Từ đó, đem lại thu nhập ổn định cho các gia đình”.
Từ năm 2015 đến nay, nhiều hộ dân thôn Lô Lô Chải đã vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội về tu sửa nhà cửa, công trình vệ sinh đón khách du lịch.
Hiện thôn có 32 hộ làm du lịch, mỗi ngày có thể đón khoảng 300 khách ăn, nghỉ, mỗi tháng đón khoảng 1.000 lượt khách lưu trú và hàng chục nghìn khách tham quan với nguồn thu ổn định từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng. Chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du khách, các hộ dân đã biết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh.
Ngôi nhà truyền thống hơn 200 tuổi của gia đình chị Lù Thị Vấn trở thành quán Cafe Cực Bắc. Hàng ngày, chị Vấn tất bật phục vụ đồ uống cho du khách và dọn dẹp 3 phòng lưu trú. Du khách đến thôn đều tìm đến Cafe Cực Bắc để nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngôi nhà cổ.
Chị Vấn cho biết: “Ngày trước làm nông vất vả quanh năm nhưng vẫn nghèo. Từ năm 2015 đến nay gia đình mở quán bán đồ uống, làm thêm 3 phòng lưu trú nên có nguồn thu ổn định vài chục triệu đồng/tháng. Từ làm du lịch mà vợ chồng tôi có điều kiện nuôi hai con học Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Với mục tiêu chia sẻ lợi nhuận, cả thôn cùng hưởng lợi từ du lịch nên đã hình thành các nhóm hộ làm dịch vụ phụ trợ, như các nhóm hộ: Trồng rau an toàn, nuôi lợn đen, gà bản, trồng hoa tam giác mạch, nấu rượu, biểu diễn văn nghệ. Các nhóm có mối liên kết chặt chẽ với các gia đình làm dịch vụ ăn, nghỉ để cung cấp sản phẩm phục vụ du khách. Do đó, nguồn thu từ du lịch chia đều cho hơn 110 hộ dân trong thôn. Du khách đến thôn cũng được thụ hưởng các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng bảo đảm chất lượng.
Những biển hiệu bằng gỗ được ghi thủ công treo trước cửa, các vật dụng trong nhà đều gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân. Không bê tông hóa, không hiện đại hóa nhưng Lô Lô Chải vẫn thu hút du khách, thậm chí dịp lễ, tết, cuối tuần đều kín phòng cho thuê.
Bên cạnh cảnh quan đặc biệt, Lô Lô Chải còn ghi dấu trong lòng du khách bởi văn hóa, ẩm thực và giá trị tinh thần được lưu giữ từ ngàn xưa. Người dân Lô Lô vẫn giữ thói quen mặc trang phục truyền thống vào các dịp đặc biệt, cùng nhau gìn giữ, phát huy phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào qua bao thế hệ như lễ cúng tổ tiên, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới… Hoa văn chủ đạo trên trang phục của người Lô Lô mang dấu ấn riêng của thiên nhiên và mảnh đất của họ.
Điểm nhấn trên bộ trang phục là hoa văn được tạo hình bởi những chiếc khuy được may gần nhau thành một hàng dọc trên mũ, tay áo, thân áo của người phụ nữ Lô Lô, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó keo sơn của người dân nơi đây. Họ biết cách lan tỏa vẻ đẹp ấy bằng cách treo những bộ trang phục ngay trước hiên nhà và nhận may, cho thuê trang phục nếu khách có nhu cầu. Đó cũng là một cách để quảng bá văn hóa.
Bí thư Chi bộ thôn Lô Lô Chải Vàng Dỉ Tình cho biết, từ một thôn thuần nông với hơn 80% hộ nghèo, nhờ làm du lịch nên cuộc sống đã khấm khá hơn trước. Hiện thôn chỉ còn gần 10% hộ nghèo theo tiêu chí mới là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Điều quan trọng nhất là từ khi làm du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được gìn giữ và phát huy.
Mô hình làm du lịch cộng đồng của đồng bào ở bản Lô Lô Chải được nhân rộng trong xã Lũng Cú và các xã khác. Cuộc sống ấm no đã về trên vùng đất khó. Đặc biệt, nhận thức của bà con đã có chuyển biến rõ nét, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết khai thác lợi thế của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 108