Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - “Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.

 Chiều ngày 14/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu

Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống

Đánh giá, đây là diễn đàn hết sức quan trọng để chúng ta cùng nhau thảo luận, trao đổi cả về những cơ hội cũng như thách thức, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận, diễn đàn là cơ sở để kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước.

Từ đó góp phần thực hiện thống nhất, có hiệu quả chủ trương của Đảng về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới".

Thông tin tại Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW (về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) và ban hành Chỉ thị 21-CT/TW đã tạo thêm động lực, cơ chế cho công tác phụ nữ.

Cũng theo bà Nga, 5 năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cùng sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận.

Cùng với đó là nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì hội thảo (Ảnh: TH).

Qua đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chưa hết, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%.

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

“Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng”, bà Nga cho biết.

Vẫn còn xã không có cấp ủy viên là nữ

Cũng theo bà Hà Thị Nga, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn không ít hạn chế, những vấn đề đặt ra cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Cụ thể là định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

Cùng với đó, nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; bạo lực gia đình; mua bán phụ nữ, trẻ em; xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em…

Một hạn chế nữa được bà Nga chỉ ra, là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với lực lượng lao động nữ và với yêu cầu phát triển của đất nước.

“Còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu; vẫn còn tỉnh, huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ”, bà Nga chỉ ra.

Khẳng định phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn không chỉ cho phát triển đất nước, mà còn cho sự trưởng thành, tiến bộ của sự nghiệp bình đẳng giới, của từng phụ nữ, từng gia đình Việt, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi nhận: “Chúng ta đã làm được nhiều việc có kết quả nhưng cũng còn nhiều việc đòi hỏi phải nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao để đạt được kết quả như mong muốn”.

Theo bà Mai, điều quan trọng, phụ nữ Việt Nam phải có cơ hội để được bình đẳng, được tham gia vào hệ thống pháp luật. “Cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Bình đăng giới, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em được quan tâm lồng ghép trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật bầu cử, các luật về an ninh xã hội, Luật hôn nhân và gia đình, giáo dục, y tế...", bà Mai nhấn mạnh.