Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Vươn lên thoát nghèo: Có rất nhiều tấm gương như cụ Đỗ Thị Mơ

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Đánh giá cao ý thức thoát nghèo của người dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, chúng ta có rất nhiều tấm gương sáng. "Hình ảnh cụ Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa là một điển hình. Nhưng không chỉ có vậy, chúng ta có rất nhiều tấm gương như cụ Mơ, nhiều người tự nguyện không nhận chính sách, trả chính sách để nhường cho người khác", ông Dung nói.

Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo cho 7 giai đoạn. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019) và dự kiến sẽ dưới 3% vào cuối năm 2020.

Bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm. Đây là kết quả rất ấn tượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong một lần tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa, trao đổi với người dân nơi đây về các mô hình xóa đói giảm nghèo

Vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách, "bổn cũ soạn lại"

Với các con số ấn tượng này, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 vừa diễn ra sáng 30/9/2020, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết 76 là rất tích cực.

Để có được các kết quả đó, công tác giảm nghèo bền vững là rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế "nghịch lý", là một số tỉnh nghèo, huyện nghèo phát sinh không cao, trong khi một số khu vực, địa phương kinh tế khá thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo phát sinh lại cao. Như Vĩnh Phúc không nghèo, nhưng sao tỷ lệ cao, hay 1 số tỉnh nữa.

Lý giải điều này, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin: "Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân rất cơ bản, đó là tách hộ để được hưởng chính sách cận nghèo, chính sách nghèo và giải quyết vấn đề về nhà ở, đất ở, nơi ở", ông nói và nhấn mạnh: "Đây là vấn đề rất lưu ý".

"Tình trạng trục lợi chính sách vừa qua còn không?", ông nêu và thẳng thắn nhìn nhận: "Vẫn còn".

Câu chuyện bà Mơ (83 tuổi, Thanh Hóa) đạp xe lên xã xin thoát nghèođã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, tại địa phương cụ bà sinh sống, nhiều hộ dân đã xin thoát nghèo theo.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, trục lợi chủ yếu rơi vào hộ cận nghèo. Tuy chúng ta đã chuyển thẳng sang xác định cận nghèo và nghèo theo tiêu chí, nhưng một số địa phương vẫn "bổn cũ soạn lại", để mục đích bình xét hay ưu tiên cho con cháu đi học.

Nên mới dẫn đến như dịch Covid - 19 vừa rồi, Bộ trưởng thẳng thắn, thông qua gói trợ giúp, đã cho chúng ta nhiều bài học quý, phát hiện ra những sai sót chính là nhờ… Covid-19. Khi phát tiền cho người nghèo, cận nghèo, mới phát hiện ra: "Ô, ông này có nghèo đâu!".

Ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân tiến bộ rõ rệt

Cũng tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị tách các trường hợp "nghèo kinh niên" để có chính sách riêng.

Về điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong chương trình mục tiêu giai đoạn tới (2021 - 2025), tiếp thu ý kiến sơ bộ của UBTVQH kết luận, cũng đang tính chuyển đối tượng "nghèo kinh niên" sang diện bảo trợ xã hội. Và khi sửa Nghị định 136 cũng phải "cân nhắc vấn đề này".

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, tách ra không phải là Nhà nước đảm bảo tất cả, mà phải có xã hội hoá mạnh để chăm lo.

Khẳng định, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được thành công hôm nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là có sự vào cuộc của cả xã hội, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và "đặc biệt là vai trò tự ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân có bước tiến bộ rõ rệt".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm vùng chè Thái Nguyên

Để minh chứng, nói về ý thức thoát nghèo của người dân, Bộ trưởng nêu, chúng ta có rất nhiều tấm gương sáng. "Hình ảnh cụ Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa là một điển hình" - (Người có 2 năm liền làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo - đã trở thành tấm gương xúc động bởi tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo – P.V).

"Nhưng không chỉ có vậy, chúng ta có rất nhiều tấm gương như cụ Mơ, chứ không phải chỉ một cụ Mơ. Rất nhiều người tự nguyện không nhận chính sách, trả chính sách để nhường cho người khác", ông Dung nhấn mạnh thêm.

Theo đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, chúng ta mong muốn để nhiều người thoát nghèo, nhưng mong muốn phải trên cơ sở thực tiễn và phải có rất nhiều thực tiễn.

"Hôm nay đã thoát nghèo, nhưng chỉ cần một trận mưa bão thôi, hay mất một con bê, con bò là đã lại trở thành người nghèo. Ranh giới rất mong manh, rất gần", ông trăn trở và nói thêm, công tác xóa đói giảm nghèo không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải rất kiên trì.

Có thể nói, nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật.

Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Bên cạnh đó, 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến cuối năm nay 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.

Với những các con số ấn tượng trên, đặc biệt nếu đạt được tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3% hết năm 2020, chúng ta về đích sớm mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và trở thành hình mẫu về xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam: Tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo

Thành tích giảm nghèo của Việt Nam là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Còn nhớ, với tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, tại "Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp 2019", còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thông tin, con số ấn tượng đó, khiến nhà lãnh đạo Myanma trong cuộc gặp gỡ mới đây với ông, đã nhận xét đây là thành quả "đáng kinh ngạc".

Gần hết năm 2020, tuy ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng toàn ngành vẫn quyết tâm phấn đấu hết năm nay, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn dưới 3%.

"Nếu đạt được, chúng ta về đích trước thời gian khoảng 1 năm. Rõ ràng giảm nghèo là một điểm sáng của Việt Nam, hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ rất rõ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Có thể nói, "Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo", ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã không tiếc lời khen ngợi như vậy về "kỳ tích" trong công tác giảm nghèo của Việt Nam.

Thành Công

.

Tin liên quan
Tuổi già nhưng chí không già

Tuổi già nhưng chí không già

(LĐHX) - Phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, “Tuổi già nhưng chí không già”, nhiều người cao tuổi (NCT) tích cực lao động sản xuất, kinh doanh,...
Tết ấm trong những căn nhà mới

Tết ấm trong những căn nhà mới

(LĐXH) - Nhận được sự chung tay hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, những ngày này rất nhiều hộ nghèo phấn khởi hoàn thiện các khâu cuối cùng để đón...