Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Phí công đoàn 2% có thể là gánh nặng cho doanh nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Nhiều ý kiến khác nhau về mức phí công đoàn 2%

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, về cơ bản, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân.

Phí công đoàn 2% có thể là gánh nặng cho doanh nghiệp - 1
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị cần linh hoạt mức thu phí Công đoàn phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp.

Với một số nội dung cụ thể, về việc gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động (NLĐ) là người nước ngoài (quy định tại điều 5), tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, UBTV Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định “NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”.

Ngoài ra, khoản 5 điều 4 của Dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, NLĐ là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ Công đoàn.

UBTV Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Thảo luận tại hội trường, về quyền gia nhập công đoàn của NLĐ là công dân nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc cho phép người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào nước ta,

Đồng thời cũng thể hiện thái độ cởi mở của Đảng và Nhà nước ta, qua đó quyền, lợi ích hợp pháp của họ cũng được quan tâm và bảo vệ. 

Tán thành với việc ghi nhận NLĐ nước ngoài tham gia công đoàn tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng có điều lệ.

Do vậy cần có quy định cụ thể thêm về điều kiện gia nhập công đoàn của người nước ngoài lao động tại Việt Nam theo hướng họ phải tán thành tôn chỉ, mục đích của công đoàn, tự nguyện và có trách nhiệm trong việc xây dựng công đoàn vững mạnh, tránh tình trạng lợi dụng việc gia nhập công đoàn để chống phá.

 Quan tâm đến nội dung phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho rằng, nguồn kinh phí Công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957 có Luật Công đoàn đến nay.

Nguồn kinh phí này được sử dụng tại Công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, NLĐ, như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao. Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, mức phí công đoàn 2% cần phải xem lại. Theo đại biểu, quy định này có từ năm 1957 vào thời điểm đó rất hợp lý vì NLĐ thời kỳ đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, kinh phí trích ra 2% đó cũng là từ NSNN cấp, bản chất là lấy từ túi này để chuyển sang túi khác.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất lớn và rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, số lượng NLĐ trong một doanh nghiệp bây giờ đông hơn nhiều, có thể vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người làm việc, nếu đóng phí công đoàn 2% thì đó là một gánh nặng cho các doanh nghiệp có nhiều NLĐ.

“Doanh nghiệp không thể mở rộng, thậm chí nếu không duy trì hoạt động được thì NLĐ sẽ mất việc, đầu tư FDI sẽ giảm, nền kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng, rồi sẽ có nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa…

Do vậy, mức phí hợp lý hơn, chẳng hạn, với doanh nghiệp dưới 500 NLĐ,  phí công đoàn vẫn là 2%; doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%”, ông Trí nêu quan điểm.

Liên quan đến việc phân phối kinh phí công đoàn, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, Dự thảo Luật hiện không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ.

Việc thiếu quy định trên sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế. Do vậy, cần bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí Công đoàn vào trong Dự thảo Luật, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng LĐLĐ về nội dung này.

Đồng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị, việc phân phối kinh phí Công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ cần có sự rõ ràng hơn - nhất là trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ ở doanh nghiệp.

Đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT...

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình UBTV Quốc hội: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan;

Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;

Điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. 

Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT quy định tại dự thảo Luật.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này;

TTiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT;

Rà soát cả các quy định liên quan đến BHYT trong các dự án Luật trình Quốc nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Với các nhóm đối tượng mới, Ủy ban Xã hội đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến ngân sách nhà nước, quỹ BHYT.

Với đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, Ủy ban Xã hội cho rằng, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này do đang thực hiện ổn định.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình. Bên cạnh đó, cần rà soát, quy định về phương thức đóng BHYT với một số đối tượng mới được bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

Về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT, Điều 21 và Điều 22 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng.

Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo chỉ điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng khi đã đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT có tính chất tương đồng.

Về nội dung Chính phủ xin ý kiến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, khoản 3 Điều 22 sửa đổi quy định về “thông cấp khám, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo;

Khám, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.

Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.

Châu Giang

Báo Lao động và Xã hội số 129