Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Xây dựng bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “bà đỡ” của thị trường lao động

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ban soạn thảo cố gắng xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, sao cho đảm bảo Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện được nguyên tắc “bà đỡ” của thị trường lao động.

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Các vấn đề vay vốn, hỗ trợ việc làm; điều kiện hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp với người lao động... được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Xây dựng bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “bà đỡ” của thị trường lao động - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại thảo luận tổ (Ảnh: ĐTH).

Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững

Giới thiệu một số điểm mới của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu đoàn Thanh Hóa) cho biết, so với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách.

Gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Bộ trưởng khẳng định, với tinh thần cầu thị, dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát xuống còn 94 điều, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến, Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát và sau đó Quốc hội tiếp tục xem xét. 

Cho rằng, vấn đề việc làm hiện nay rất đa dạng, linh hoạt và năng động, đặc biệt là di chuyển thể nhân trong bối cảnh mới, ông Đào Ngọc Dung nêu, hiện nay một người lao động có thể có nhiều giao kết hợp đồng khác nhau.

“Hôm nay họ có thể nay đang làm cho quan hệ lao động này, chiều lại quan hệ lao động mới khác, rất nhiều quan hệ lao động khác nhau, các loại hình lao động khác nhau, chúng ta chưa hình dung hết được”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH làm rõ thêm.

Do đó, theo ông Dung, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi còn hướng đến lượng hóa các vấn đề có tính chất nguyên tắc, mở đường. 

Trong đó vấn đề quan tâm nữa của Luật này chính là Bảo hiểm thất nghiệp. Trong Luật sửa đổi, bảo hiểm thất nghiệp quy định tối đa 1% thôi, còn trước đây quy định cứng.

Trước đây các đối tượng được chi bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu dừng lại ở chi thất nghiệp, và các vấn đề như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, hỗ trợ người lao động chuyển nghề, học nghề… 

Xây dựng bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “bà đỡ” của thị trường lao động - 2
Toàn cảnh thảo luận tổ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử, như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Thường vụ Quốc hội có thông qua quy định đặc thù, nhưng thực tế triển khai hỗ trợ không thực hiện được. Doanh nghiệp cũng không muốn lấy tiền để đào tạo, vì quy định hòi hỏi liên quan số lượng, trong khi kinh phí thấp chỉ 3 triệu/người, mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm toán liên tục nên doanh nghiệp... "ngại".

Do đó, lần sửa đổi này, ban soạn thảo cố gắng xây dựng để đảm bảo bảo hiểm thất nghiệp thực hiện được nguyên tắc “bà đỡ” của thị trường lao động khi người lao động mất việc làm. 

Theo đó, tăng mức loại hình hỗ trợ, tăng mức hỗ trợ, và tăng tính liên kết, tính chia sẻ của loại hình bảo hiểm này; Tăng kết nối, chia sẻ thông tin, gắn kết cung cầu lao động… là những vấn đề rất lớn hiện nay, và được dự thảo Luật quan tâm bổ sung, sửa đổi.

Xây dựng bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “bà đỡ” của thị trường lao động - 3
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) đánh giá dự thảo Luật Việc làm lần này có quy định khá nhiều đối tượng ưu tiên (Ảnh: QH).

Hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng-hưởng”

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, công ăn việc làm ổn định sẽ giúp bảo đảm an sinh xã hội, do đó sửa đổi luật là điều hết sức cần thiết. 

Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp có nhiều mục đích, quan trọng nhất là bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.

“Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp - đề nghị này rất thách thức nhưng phải cố gắng để thực hiện cho được, Luật này cần có giải pháp để bảo đảm tính khả thi của quy định, tăng số lượng người tham gia để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) đánh giá tại dự thảo Luật Việc làm lần này có quy định khá nhiều đối tượng ưu tiên như người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo,… tuy nhiên chưa có chính sách ưu tiên cho nữ giới. 

“Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp”, đại biểu Mai nói.

Còn đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TPHCM) băn khoăn, tại điểm b và điểm d, khoản 1 điều 64 Dự thảo Luật quy định về trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

“Quy định này chưa phù hợp với chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay”, đại biểu nói và cho rằng, quy định này giới hạn, thu hẹp đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn so với Luật hiện hành. 

Vì thế đại biểu đoàn TPHCM đề nghị, cần tách biệt giữa trường hợp người lao động chịu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức với việc người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cũng liên quan tới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang) cho rằng, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 điều 64 để tạo điều kiện cho những người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Ngoài ra, quan tâm tới quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, nhiều ý kiến đại biểu cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên. 

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước.

Đồng thời, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.