Trung tâm Ứng phó khẩn cấp bệnh truyền nhiễm (CIDER) mới thành lập cũng đóng vai trò là trung tâm đào tạo và điều phối hoạt động cho các chuyên gia y tế công cộng, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách tại Singapore và trên thế giới.
Trung tâm do chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và y tế toàn cầu Dale Fisher dẫn dắt, trực thuộc Trường Y Yong Loo Lin của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), thể hiện cam kết lâu dài của trường trong việc xây dựng một hệ thống y tế toàn cầu vững mạnh.

Phát biểu tại lễ khai trương trung tâm hôm 10/2, ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cho rằng, cuộc khủng hoảng đại dịch trong tương lai là thực tế mà thế giới và Singapore không thể phớt lờ.
Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường khả năng ứng phó sau đại dịch Covid-19.
Các biện pháp này bao gồm tham gia hệ thống giám sát toàn cầu nhằm phát hiện sớm các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm, sửa đổi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, thành lập Cơ quan Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cùng Lực lượng Dự bị y tế với khoảng 1.000 tình nguyện viên, để hỗ trợ các nhiệm vụ phi lâm sàng như xét nghiệm và quản lý ca bệnh.
Thông qua các sáng kiến đào tạo, giảng dạy và vận hành, CIDER sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các chuyên gia y tế nâng cao sức chống chịu và khả năng ứng phó trước các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Là một phần trong sứ mệnh của mình, trung tâm tập trung vào việc mở rộng năng lực khu vực nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai và các làn sóng bùng phát kiểu Covid-19 tiếp theo, đồng thời hướng tới tầm nhìn dài hạn về việc thúc đẩy công bằng y tế toàn cầu.
"Thông qua việc thành lập trung tâm, chúng tôi muốn trao quyền cho thế hệ lãnh đạo y tế công cộng tiếp theo, giúp họ ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh và cuối cùng góp phần xây dựng một thế giới khỏe mạnh, vững vàng hơn", GS Fisher, Giám đốc Y khoa của Hệ thống Y tế NUS nhấn mạnh.
Một trong những chương trình đào tạo của CIDER là chương trình thạc sĩ khoa học về ứng phó khẩn cấp bệnh truyền nhiễm, dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng và kiểm soát dịch bệnh. Chương trình trang bị cho các chuyên gia kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực tiễn cần thiết để dẫn dắt công tác ứng phó trong các cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Chương trình do CIDER phát triển phối hợp cùng các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước và quốc tế, hướng đến các chuyên gia ở giai đoạn đầu và giữa sự nghiệp, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực như: Y tế công cộng, tăng cường sức khỏe, quản lý y tế, sức khỏe môi trường và nghề nghiệp, nghiên cứu lâm sàng hoặc các lĩnh vực liên quan.
“Nhiều người không nhận ra rằng trong một đại dịch, không chỉ nhân viên y tế mà cả những người làm trong lĩnh vực giám sát, hậu cần, kết nối cộng đồng và thậm chí truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi mong muốn thu hút họ từ cả Singapore và các quốc gia khác cùng tham gia”, GS Fisher nói.
Các học viên tốt nghiệp chương trình thạc sĩ sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để định hình chính sách y tế, dẫn dắt công tác ứng phó khẩn cấp và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống y tế toàn cầu.
Bảo Châm (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 20