Chọn nghề cho con hay cho cha mẹ? Việc định hướng cho con về một nghề nghiệp ổn định và phù hợp chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bậc cha mẹ. Xã hội phát triển, nhu cầu ngày càng đa dạng dẫn tới việc hình thành nhiều ngành nghề mới, khiến các phụ huynh và bạn trẻ không dễ định hướng, chọn lựa. Từ đây, câu chuyện chọn trường nào, học nghề nào đã trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết các bậc cha mẹ. Chọn nghề cho con như thế nào mới thật sự phù hợp và đúng đắn?
Đối với học sinh lớp 12, chọn ngành nghề là một trong những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai. Trong giai đoạn này, các bạn thường khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.
Chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, Trần Hồng Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Mình đăng kí vào khoa Luật thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bố mẹ cũng góp ý cho mình rất nhiều khi chọn ngành này, một phần bởi gia đình có người làm nghề nên cũng sẽ tốt hơn trong việc chia sẻ, phần khác thì do mình vẫn còn cảm thấy một chút mông lung và chưa rõ bản thân thật sự muốn gì, thích gì, nên mình đã quyết định nghe theo".
Nhiều bạn trẻ có mong muốn theo một nghề nghiệp cụ thể, song không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ. Thậm chí, họ phải chịu áp lực nặng nề, là thi vào trường nào, học nghề gì theo sự áp đặt của các phụ huynh.
Bạn Lê Huyền My (Hà Nội) chia sẻ: “Mình muốn chọn ngành liên quan đến Quản trị nhà hàng – khách sạn, nhưng bố mẹ mình thì phản đối gay gắt khi mình chọn ngành này và có cái nhìn "tiêu cực" với nó. Bố mẹ ép mình phải theo ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin hoặc Ngân hàng, vì cả dòng họ mình không ai theo ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn. Mình cảm thấy bất lực và chán nản trước quyết định đó của cha mẹ, nhưng lại không thể làm gì khác ngoài việc nghe theo".
Cha mẹ thường định hướng nghề nghiệp cho con cái, theo kế hoạch và mong muốn của bản thân. Các bậc cha mẹ nghĩ rằng, họ có kinh nghiệm, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình và gia đình có nền tảng nghề nghiệp ổn định. Do vậy, nhiều cha mẹ nghĩ việc chọn ngành, chọn trường do cha mẹ quyết định là điều hoàn toàn hợp lý.
Cha mẹ cần thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lí, cần phải biết con mình muốn gì, và năng lực tới đâu, từ đó hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho con.
Khi trẻ bộc lộ rõ nét những năng lực và khả năng của mình thì đó chính là thời điểm thích hợp để phụ huynh có những định hướng cơ bản cho tương lai của con em mình. Mỗi người khi sinh ra sẽ có những năng khiếu riêng của bản thân, bậc làm cha, làm mẹ, cần có sự quan sát tinh tế, để phát hiện ra khả năng tiềm ẩn trong con, từ đó có thể phát huy một cách hợp lý.
“Cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành, giúp con khám phá và tìm hiểu bản thân, nên dành nhiều thời gian để hướng nghiệp cho con, tôn trọng nhận thức, lắng nghe và thấu hiểu quyết định của con. Cha mẹ là khuôn mẫu giúp con biết được giá trị của sức lao động, và thành quả mà các con đang được hưởng là từ đâu. Bằng cách kể cho con cái nghe câu chuyện về nghề nghiệp của mình, tại sao lại chọn và yêu thích cái nghề đó, cha mẹ sẽ giúp con hình dung cụ thể, rõ ràng hơn. Tất cả những điều đó sẽ trở thành bài học kinh nghiệm đáng giá nhất mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái trong quá trình hình thành và định hướng nghề nghiệp cho bản thân”.