Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

4 năm liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao

(Dân sinh) - Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% kế hoạch trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Giải quyết hàng triệu việc làm cho người lao động, giảm nghèo đạt kết quả tích cực, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%, đồng thời giải quyết cho hàng nghìn hồ sơ người có công tồn đọng.

Năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% kế hoạch trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phủ (trình 22/22 đề án); trong đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 Bộ luật, ban hành 1 Nghị quyết gia nhập Công ước; Chủ tịch nước Ban hành 1 Quyết định gia nhập Công ước; Chính phủ ban hành 4 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định. Đặc biệt, Bộ luật Lao động được thông qua với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật, được Quốc hội thông qua với số phiếu biểu quyết tán thành là 90,06%.

4 năm liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Hoàn thành trong hạn 91/91 nhiệm vụ (đạt 100%) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ. Việc làm cho người lao động được giải quyết ngày càng nhiều hơn (trên 1,6 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch); chất lượng và hiệu quả dạy nghề ngày càng được nâng lên; giảm nghèo đạt kết quả tích cực, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%. Qua hơn 3 năm triển khai đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành LĐ-TB&XH trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, đuối nước. Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp,…

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 về lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội diễn ra sáng nay (25/12), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các đơn vị, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2019, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai nhiệm vụ năm 2020 một cách có hiệu quả và đồng bộ;

Tập trung tham gia bàn các giải pháp mang tính trọng tâm, ưu tiên để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành; đó là công tác xây dựng thể chế: tập trung thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung triển khai thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để Bộ luật kịp thời đi vào cuộc sống.

4 năm liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước; Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tiếp tục rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, không bao cấp tràn lan. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em... 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong năm tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, ban hành chương trình công tác của toàn ngành năm 2020. Khẩn trương ban hành Chương trình, chiến lược toàn ngành 5 năm tới. Từng đơn vị căn cứ ý kiến chỉ đạo để xây dựng chương trình, đặc biệt xây dựng thể chế. Trong đó xây dựng chiến lược, 25 nghị định bắt buộc có. 14 nghị định liên quan Bộ luật lao động, chưa kể Pháp lệnh người có công sửa đổi, người lao động ra nước ngoài, công ước 105.

"Toàn ngành cam kết hoàn thành tất cả các chương trình đã ký với Chính phủ. Quan tâm sâu sắc hơn, xây dựng thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, gắn với đào tạo nghề mà Phó Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đề nghị.Tập trung xây dựng hệ thống an sinh nhằm tập trung phát triển bao trùm. Quan tâm sâu sắc hơn vấn đề BHXH, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại trẻ em, tạo an sinh bền vững.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giải quyết các vấn đề nhà ở, tồn đọng hồ sơ người có công. giúp các địa phương giải quyết căn bản vấn đề này, không còn địa phương nào còn tình trạng người có công thuộc hộ nghèo. Năm 2020, chắc chắn lĩnh vực ngành sẽ nặng nề hơn, do đó Bộ mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.