Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Bác sĩ mạng” kê đơn nhanh hơn cả bác sĩ thật

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Không bằng cấp, chuyên môn, chỉ cần có tài khoản mạng xã hội và khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là “bác sĩ mạng” kê đơn nhanh hơn cả bác sĩ thật.

Tiền mất, tật mang vì “bác sĩ mạng”

Thông tin phản ánh đến cơ quan báo chí, ông Lê Cảnh Tr. (70 tuổi, cán bộ đã nghỉ hưu, trú tại Xã Long Thới, Huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết, trong khi dùng mạng xã hội, ông vô tình thấy bài viết quảng cáo sản phẩm "Tĩnh Mạch An Tâm" điều trị suy giãn tĩnh mạch xơ vữa mạch máu, kèm theo hình ảnh của VTV1 và MC Quyền Linh để tạo niềm tin cho khách hàng.

Trong quảng cáo còn nói, sản phẩm này được làm từ Viện Y học Cổ truyền Trung ương.

"Bác sĩ mạng” kê đơn nhanh hơn cả bác sĩ thật - 1
Nhóm người giả danh nhân viên y tế, bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương lừa đảo 2.500 nạn nhân vừa bị khởi tố. 

Tin tưởng, ông Tr. đã đặt mua 2 liệu trình dùng trong vòng 4 tháng. Tuy nhiên khi dùng, ông thấy bệnh không bớt mà càng nặng hơn.

"Lúc đầu họ cam kết nếu bệnh không bớt sẽ hoàn tiền. Trong suốt thời gian uống thuốc, tôi báo cho họ biết là bệnh không giảm thì họ nói phải uống đủ liều thuốc mới hiệu quả. Nhưng sau 4 tháng dùng thuốc, bệnh tình không giảm mà càng tệ hơn so với trước. Sau đó, tôi có gọi điện lại thì họ không nghe máy nữa", ông Tr. nói.

Trung tuần tháng 11/2024, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp kiểm tra, phát hiện hoạt động khám, chữa bệnh không phép của ông Hà Huy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ) đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước khi bị bắt quả tang, trên không gian mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook cá nhân của ông Thọ đã đăng tải nhiều nội dung tư vấn sức khỏe thiếu bằng chứng khoa học. 

Điều đáng nói, việc ông Thọ tự nhận là bác sĩ với tài khoản Facebook "Bác sĩ Hà Duy Thọ" là hoàn toàn mạo danh, bịa đặt. Tài khoản Facebook "Bác sĩ Hà Duy Thọ" giới thiệu ông Thọ có học hàm “giáo sư”, "chuyên gia dinh dưỡng và thực dưỡng, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1996, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam".

Song, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, ông Thọ không có bằng cấp, không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, chưa từng công tác tại bất cứ bệnh viện lớn nào như tự xưng. Đặc biệt, quá trình khám chữa bệnh không phép, ông Thọ còn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc...

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 16 bị can về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Để thực hiện hành vi lừa đảo, các bị can đăng bài tư vấn tình trạng bệnh mắt, quảng cáo thuốc bổ mắt trên mạng xã hội Facebook để thu thập thông tin khách hàng có nhu cầu mua thuốc.

Nhóm này sau đó gọi điện thoại cho khách hàng, giả danh bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố hoặc lãnh đạo, cán bộ của Sở Y tế các tỉnh để tư vấn khám chữa bệnh và giới thiệu bán thuốc theo chương trình “Hồ sơ vàng”.

Các bị can còn làm giả tài liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương, Sở Y tế Hà Nội... để gửi kèm thuốc nhằm tăng uy tín với khách hàng về các sản phẩm và chương trình. Từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022, các đối tượng giao thành công 3.816 đơn hàng cho 2.531 khách hàng, tổng số tiền do Công ty Giao hàng tiết kiệm đã thu hộ là hơn 7,4 tỷ đồng.

Những ngày này, dịch cúm bùng phát mạnh do thời tiết miền Bắc đang vào giai đoạn nồm ẩm. Trước tình trạng này, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều video clip ngắn, những bài đăng chia sẻ nhan nhản lời khuyên của các "bác sĩ", rồi "dược sĩ" hay "chuyên gia" tự xưng.

Mỗi tài khoản này đều có mục đích riêng, dù bán thuốc hay đơn giản là câu view thì cũng đã tạo làn sóng đổ xô đi mua thuốc, nhất là thuốc Tamiflu, làm cho nhiều người lầm tưởng phải mua tích trữ Tamiflu và các loại thuốc chữa viêm họng, cảm cúm và thuốc kháng sinh.

Chị Trần Kim Oanh, quản lý nhà thuốc Long Châu, cơ sở Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa cho biết: "Tính từ tháng 12 đến nay, lượng người mua tăng lên đáng kể. Việc đổ xô đi mua thuốc như vậy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Người dân vừa tốn kém, gây sốt ảo cho thuốc, gây rối loạn thị trường. Chưa kể, nguy hiểm nhất là những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe nếu uống thuốc vô tội vạ và tự ý dùng thuốc tại nhà”.

Người bệnh thành nạn nhân lừa đảo, trục lợi

Điểm chung của các "bác sĩ mạng” là thường cập nhật đan xen video hướng dẫn người dân nhận biết những biểu hiện, triệu chứng hay khuyến cáo phòng bệnh và các nội dung quảng cáo, bán hàng.

Với thủ đoạn này, người xem sẽ lầm tưởng rằng đây là lời tư vấn của các bác sĩ bệnh viện lớn, uy tín nên nghe và làm theo. Một vài thông tin đúng sẽ tạo được niềm tin cho người xem.

Khi đã có niềm tin bởi những lời tư vấn nhiệt tình, miễn phí, người xem tương tác nhiều hơn và sử dụng các sản phẩm được “bác sĩ mạng” rao bán. Và người xem, người bệnh dần trở thành nạn nhân bị "bác sĩ mạng” lừa đảo, trục lợi.

Bác sĩ Quan Thế Dân cho rằng, sở dĩ những thông tin y học trên mạng có đất sống, thậm chí nở rộ vì có môi trường tốt. Đó chính là thói quen tự chữa bệnh qua mạng, qua những lời đồn thổi, mách bảo. Phần nào đó là thói quen, tập quán của nền văn hóa nông nghiệp tự cấp tự túc.

Người dân đã tự chữa bệnh cho mình và cho người thân từ lâu trong quá khứ và bây giờ tiếp tục trong điều kiện mới. Phần nữa, sự phát triển của cách chữa bệnh qua những lời đồn thổi trên mạng còn phản ánh góc độ thất bại của nền y học chính thống. Người dân thất vọng vì y học chính thức không đáp ứng kịp những đòi hỏi của họ nên đã quay ra tự tìm cách chữa cho mình. 

Vấn đề nguy hiểm của thông tin y học trên mạng cũng như các loại thông tin nói chung trên mạng là thật giả lẫn lộn. “Những thông tin y học sai lệch sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người đọc. Để các thông tin y học sai lệch lan truyền rộng trên mạng là trách nhiệm của nhà quản lý.

Đây không phải vấn đề tự do ngôn luận mà là vấn đề pháp luật. Trên cõi mạng, bạn có thể nói về tất cả những gì mà bạn thích nhưng nếu ai đó vì tin những điều bạn nói mà ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn đã vi phạm luật pháp”, bác sĩ Dân nhấn mạnh. 

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin do các "bác sĩ mạng” đưa ra. Nói cách khác, mọi người phải biết chọn lọc thông tin trên mạng xã hội, nhất là các thông tin liên quan đến sức khỏe.

Những thông tin thiếu căn cứ, những sản phẩm không rõ nguồn gốc do các "bác sĩ mạng” đưa ra luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người dân.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 19

Tin liên quan
Bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm

Bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm

(LĐXH) - Thời tiết miền Bắc bắt đầu rét đậm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động, nhất là những người có nguy cơ cao như người già,...