Với thiết kế bắt mắt và hương vị đa dạng, các sản phẩm này thu hút nhiều trẻ vị thành niên, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và xã hội.
Tỷ lệ sử dụng tăng nhanh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sản phẩm TLĐT và TLNN có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
TLĐT còn được gọi tên khác như vape, thuốc lá vaporizer, e-hookahs… là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch lỏng có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào.
TLNN là sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi thuốc lá được làm nóng, hoặc khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt.
Theo WHO, điểm khác biệt giữa TLĐT và TLNN là thiết kế, trong đó một loại có trang bị hệ thống điện tử còn một loại không có. TLNN có chứa thành phần thuốc lá truyền thống, còn TLĐT thì không chứa.
Những tinh chất, dung dịch trong hai sản phẩm là do người dùng hoặc người sản xuất tùy ý cho vào theo nhu cầu. Điều này dẫn đến khó kiểm soát các loại dung dịch trong thuốc lá thế hệ mới, không loại trừ chất gây nghiện, thậm chí ma túy.
Cũng theo WHO, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Đây là thực trạng đáng báo động và cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam cho thấy: Có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của TLĐT và TLNN, trong đó 14% đã từng sử dụng thử TLĐT và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày. Tỷ lệ này đối với TLNN là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Hệ lụy nghiêm trọng với trẻ em
ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là TLĐT, được thiết kế với hình dáng rất bắt mắt, hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên.
Các sản phẩm này có hình dạng như cây son, điếu thuốc, cái bút, hộp sữa và nhiều hình dạng đồ chơi khác. Chính vì vậy, ngay cả phụ huynh và giáo viên cũng rất khó để nhận diện các sản phẩm này, từ đó khó có thể đào tạo, tập huấn cho học sinh về tác hại của việc sử dụng thuốc lá mới. Điều này khiến các sản phẩm TLĐT nhanh chóng xâm nhập vào các trường học”.
Nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng TLĐT ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hút TLĐT gây ra các tác hại nghiêm trọng như: Tổn thương đường hô hấp, tăng nguy cơ bị ngộ độc, co giật, thậm chí là xuất hiện ảo giác. Đặc biệt, đối với người trẻ tuổi, việc sử dụng TLĐT sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Đã có rất nhiều báo cáo khoa học chỉ ra những tác hại của TLĐT và TLNN đến tim, gan, phổi, gây loạn thần. Nguy hiểm hơn, TLĐT, TLNN còn có thể được pha trộn các chất khác như ma tuý, cần sa gây ra những hệ lụy khôn lường cho người sử dụng.
Sử dụng TLĐT có trộn ma túy sẽ gây hoang tưởng, ảo giác nên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của thanh thiếu niên mà còn gây nên những lệch chuẩn về lối sống.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng TLĐT cho thấy mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như: Sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN.
Triệu chứng các bệnh nhân khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp do sử dụng TLĐT, TLNN. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó không ít học sinh nữ.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc TLĐT vào điều trị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn trong TLĐT”.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, trong TLĐT có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Với thành phần chứa nicotine, TLĐT có khả năng gây nghiện và độc hại không kém thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên, một yếu tố khiến TLĐT nguy hiểm hơn là người dùng có thể tự phối trộn nhiều chất khác nhau khi sử dụng. Sự tự phối trộn này làm tăng nguy cơ ngộ độc và các biến chứng nguy hiểm cho người
sử dụng.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 23