Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TPHCM chuyển mình trở thành “đất lành” cho nghệ thuật hàn lâm cất cánh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Vài năm gần đây, đời sống âm nhạc ở TPHCM có sự thay đổi đáng ngạc nhiên.

Ngày càng có nhiều công chúng đến với các hoạt động âm nhạc hàn lâm, bao gồm cả các chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng, thính phòng cũng như opera, ballet hay hợp xướng…

Sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật hàn lâm

TPHCM chuyển mình trở thành “đất lành” cho nghệ thuật hàn lâm cất cánh - 1
Nghệ sĩ violon Lê Ngọc Tú.

Nếu trong quá khứ, số nhà 81 Trần Quốc Thảo từng nổi tiếng với quán bia hơi luôn quy tụ nhiều tên tuổi lớn trong giới văn nghệ sĩ như: Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Tôn Thất Lập, Nguyễn Quang Sáng, Phan Nhân… thì giờ đây, địa chỉ này một lần nữa được nhiều người biết đến với tư cách điểm đến để thưởng thức các chương trình nghệ thuật hàn lâm.

Hai sân khấu chính của khu nhà hầu như tuần nào cũng có những chương trình biểu diễn nhạc cổ điển, từ những nghệ sĩ trẻ cho đến người đã thành danh và cả một số nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế.

Có mặt trong các khán phòng, điều dễ nhận thấy là toàn bộ khán giả đều thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật một cách say sưa.

Những câu chuyện trao đổi với nhau ngoài hành lang trong giờ giải lao cũng đều xoay quanh những tác phẩm, về màn trình diễn của những nghệ sĩ với nhiều ý kiến nhận xét xác đáng, thể hiện sự hiểu biết đáng nể của những “nhà phê bình” có hiểu biết. 

Điều này cho thấy, họ không phải đi xem theo phong trào mà đích thực là những “tín đồ” nhạc cổ điển, với tình yêu nghệ thuật được xây dựng, hình thành từ cảm xúc và nhận thức. 

Nói về 81 Trần Quốc Thảo chỉ là nhằm phác họa về một trong những điểm đến thưởng ngoạn nghệ thuật hàn lâm ở TPHCM. Tất nhiên, đây không phải là điểm đến duy nhất. Gần đây, các sân khấu biểu diễn nghệ thuật hàn lâm đã xuất hiện ở nhiều nơi tại TPHCM.

Đó có thể là một hội quán với sức chứa vài trăm chỗ ngồi, cũng có thể là tụ điểm công cộng, ví dụ một quán cà phê có khung cảnh đẹp, không gian ấm cúng và lịch sự…

Mặc dù các nhà tổ chức đều là nghiệp dư, làm vì đam mê, giá vé khá rẻ - phổ biến từ 150.000 - 300.000 đồng, nhưng chất lượng nghệ thuật của các chương trình đều được đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc. Vì thế, các chương trình đều “cháy vé”.

Một số mạnh thường quân là các doanh nhân có tình yêu nghệ thuật cũng xuất hiện ngày một nhiều, cung cấp một phần tài chính để tài trợ cho các chương trình.

Tất nhiên, hai địa điểm chính thống của nghệ thuật hàn lâm ở TPHCM vẫn là Nhà hát thành phố và nhà hát Nhạc viện TPHCM với không gian biểu diễn đạt chuẩn và khán phòng có sức chứa gần 1.000 chỗ.

Khoảng 2 năm trở lại đây, các chương trình nghệ thuật hàn lâm diễn ra tại hai nhà hát đều nhiều gấp 3 - 4 lần so với trước nhưng điều đáng nói là việc “săn” được tấm vé vào nghe là không dễ. Hầu hết chương trình đều bán hết sạch vé từ 5 - 10 ngày trước khi chương trình diễn ra, dù cho giá vé không rẻ, phổ biến từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng. 

Xu hướng đại chúng hóa 

TPHCM chuyển mình trở thành “đất lành” cho nghệ thuật hàn lâm cất cánh - 2
 Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TPHCM.

Sức hấp dẫn của nghệ thuật hàn lâm tại TPHCM có chiều hướng đi vào chiều sâu. Bằng chứng là không chỉ giới làm nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia biểu diễn mà trong nhiều chương trình còn có sự hiện diện của không ít nghệ sĩ nghiệp dư - từ nhân viên văn phòng, bác sĩ, kiến trúc sư cho tới sinh viên, học sinh phổ thông hay người nước ngoài sinh sống tại TPHCM…

Họ đến với các câu lạc bộ nhạc cổ điển với vai trò là những ca sĩ trong dàn hợp xướng, những nhạc công, vũ công… 

TPHCM hiện có những câu lạc bộ nghệ thuật hàn lâm hoạt động khá mạnh, hàng năm thường tổ chức nhiều show diễn chất lượng. Saigon Classical là đại diện tiêu biểu, được thành lập năm 2005, tiền thân từ Câu lạc bộ Yêu nhạc cổ điển Sài Gòn với 30 thành viên chính thức và hơn 50 thành viên tham gia hỗ trợ xuyên suốt các chương trình và hoạt động của nhóm.

Câu lạc bộ tổ chức các sự kiện đa dạng, phong phú và chất lượng về âm nhạc cổ điển, mang đến những trải nghiệm đặc biệt về nhạc cổ điển cho người nghe thông qua sự tương tác gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả; kết nối cộng đồng những người yêu nhạc cổ điển nói riêng và yêu nghệ thuật nói chung, tạo sân chơi để học hỏi, giao lưu và phát triển bản thân.

Được xây dựng theo hình thức phi lợi nhuận với mục đích tạo điều kiện cho những nghệ sĩ trẻ có cơ hội phát triển tài năng, cũng như đưa khán giả đến gần hơn với loại hình âm nhạc cổ điển, Saigon Classical hoạt động bằng cách tổ chức những buổi hòa nhạc trong không gian ấm cúng và gần gũi (salon concert), với mức phí tượng trưng.

Bên cạnh đó, giới yêu nhạc cổ điển còn có thể tham gia vào Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Sài Gòn SPYO (Saigon Philharmonic Youth Orchestra) - sự phối hợp của Amberstone Media, Nhạc viện TPHCM và Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn (Saigon Philharmonic Orchestra), tập hợp những bạn trẻ yêu âm nhạc ở độ tuổi 18 - 25.

Với lối diễn hồn nhiên, nhóm dẫn dắt công chúng tiếp cận những góc nhìn hiện đại về nhạc giao hưởng. Giới yêu ca hát có thể tham gia các dàn hợp xướng cộng đồng như: Sai Gon Male Choir, Sai Gon Female Choir, United Youth Harmony Choir… 

Đặc biệt, gần đây, nhiều trường học ở TPHCM cũng xây dựng những dàn nhạc, dàn hợp xướng được đầu tư bài bản, tổ chức biểu diễn không chỉ trong phạm vi nội bộ trường mà còn tham gia một số sự kiện văn hóa nghệ thuật của thành phố cũng như một số cuộc thi tầm cỡ quốc gia, quốc tế…

ThS Lê Ngọc Tú, nghệ sĩ violin của Nhà hát giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch TPHCM (HBSO) chia sẻ: “Nhiều năm trước, giới nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển còn phải lo lắng vì lịch diễn thưa thớt và công chúng còn khá xa lạ thì này đã khác, lịch làm việc của chúng tôi trở nên dày đặc và các đêm diễn đều kín khán phòng.

Điều đó mang tới cho chúng tôi niềm vui nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề là phải làm sao để tiếp tục nuôi dưỡng được tình yêu, niềm đam mê của công chúng và đồng thời tiếp tục nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, mở rộng đối tượng”. 

Kiến trúc sư Hoàng Lê Mạnh Thắng, thành viên tích cực của một số nhóm nghệ thuật hàn lâm cho biết: “Tôi thực sự vui mừng nhận thấy trình độ thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của nhiều người đã được nâng cao.

Nói không quá, trong tương lai gần chúng ta có thể nghĩ tới việc đại chúng hóa nghệ thuật hàn lâm, để bộ môn nghệ thuật này trở thành món ăn tinh thần thường xuyên trong đời sống, trở thành nhu cầu thực sự của đông đảo dân chúng”.

Mới cách đây vài năm, những người làm nghệ thuật hàn lâm ở TPHCM còn phải trăn trở tìm đường đến với công chúng thì hiện giờ, công chúng đang chủ động tìm đến với nghệ thuật hàn lâm. Mọi chuyện biến chuyển nhanh chóng theo chiều hướng tích cực.

TPHCM và đang trở thành “miền đất lành” để nghệ thuật hàn lâm cất cánh, trở thành một trong những dòng chủ đạo của đời sống văn hóa - nghệ thuật nơi đây.

Bảo Vân 

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan
TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

(LĐXH) - “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” - dù bài hát không có câu, chữ nhắc đến địa danh cụ thể nhưng ai cũng biết đó là TPHCM. Đó là một trong...