Và càng xao xuyến hơn khi trong tiềm thức của những người trưởng thành, chợt Tết của nhiều năm về trước ùa về. Tết ở vùng ven thành phố cái hồi chưa đô thị hóa còn nhiều lạc hậu nhưng đầy thi vị và ấm áp tình người với những phong vị của tinh thần quê xưa.
Những ngày giáp Tết

Công việc bận bịu và quan trọng nhất của những ngày giáp Tết có lẽ là lặt lá mai. Hầu như nhà nào cũng trồng vài cây mai để dành chơi Tết. Giống mai ghép nhiều cánh, nhiều màu mãi sau này mới có do các nhà vườn chuyên nghiệp lai tạo để kinh doanh còn nếu trồng ở nhà, người ta chỉ trồng mai năm cánh.
Giữa tháng Chạp là thời điểm để lặt lá mai, tuy nhiên ngày cụ thể phải căn cứ vào thời tiết. Người ta tin rằng, nếu cây mai nở bung vào sáng mùng một thì gia chủ sẽ có năm mới may mắn và thịnh vượng.
Bên cạnh hoa mai, nhiều nhà bắt đầu gieo hoa vạn thọ, hoa cúc để khi Tết đến có những bông hoa do tự tay mình trồng cắm lên bàn thờ tổ tiên, hay có mấy chậu cúc vạn thọ để quanh nhà đón không khí xuân ấm áp. Những ngày này, chợ dưa, chợ hoa là đông vui và nhộn nhịp nhất. Các bà, các chị đi mua sắm để trang hoàng lại nhà cửa, mua đồ làm bánh mứt.
Chợ hoa, chợ dưa hấu còn bán đến chiều cuối của năm. Ai cũng mua một cặp dưa mang về để lên bàn thờ gia tiên. Có gia đình chuẩn bị chu đáo đến nỗi phải đi chợ mấy bận mới sắm đủ cho ba ngày Tết. Ra chợ, ai cũng cười nói rôm rả, vì là không khí Tết nên tâm hồn con người cũng rộng mở hơn, bớt đi mệt nhọc thường ngày.
Mâm cơm ngày Tết

Không phải tự nhiên mà dân gian quen gọi là “ăn Tết” bởi vốn dĩ ngày thường có thiếu thốn bao nhiêu cũng được nhưng ngày Tết là phải đầy đủ, đặc biệt là mâm cơm cúng ông bà. Cũng giống như miền Bắc, mâm cơm Nam bộ cũng có gà luộc nhưng khác biệt lớn nhất là không thể thiếu hai món thịt kho nước dừa kèm trứng vịt, gọi đơn giản là thịt kho hột vịt và canh khổ qua.
Người miền Nam quan niệm, canh khổ qua giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón năm mới tốt lành, hạnh phúc còn món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông, năm mới trọn vẹn, đầy đủ.
Cúng ba mươi phải đủ ba mâm: Một mâm tổ tiên trên bàn thờ, một mâm đất đai ở giữa nhà và một mâm chiến sĩ ở ngoài sân. Thức ăn ở cả ba mâm này bày biện giống nhau, chỉ khác là mâm tổ tiên thì cúng bốn chén cơm, mâm đất đai năm chén, riêng mâm chiến sĩ thì muốn bày bao nhiêu chén bát tùy thích, càng nhiều càng tốt.
Số lượng chén cơm để ở các mâm đều có ý nghĩa đặc biệt: Bốn chén cơm đặt ở bốn góc mâm tổ tiên trên bàn thờ tượng trưng cho trời đất và vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.
Còn năm chén cơm ở mâm đất đai hiểu theo phong thủy là tượng trưng cho năm hướng “ngũ phương thổ trạch” (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương).
Theo cách giải thích thông thường thì đơn giản hơn, “đất đai” là mảnh đất mà chúng ta đang ở do tổ tiên để lại, ông cha đã chịu biết bao cực khổ, hiểm nguy, thậm chí phải bỏ mình trong quá trình khai hoang lập ấp nên cúng đất đai là cách thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân.
Cách hiểu ấy thể hiện ngay trong lời khấn: “Khấn vái đất đai, đất nước ông bà, những vị khuất mặt khuất mày, những vong hồn vất vưởng không nơi nương tựa...”.
Mâm cơm cúng chiến sĩ tuy không cần bày biện cầu kỳ, muốn để bao nhiêu thứ tùy thích và phải cúng ở ngoài sân. Mâm cơm này cúng những chiến sĩ tử trận nơi đất khách không biết đường về, giúp gia đình được bình yên, làm ăn suôn sẻ. Vậy mới thấy, lễ nghi cúng kiếng của ông bà ta sao nhân văn đến thế.
Bánh Tết và nồi bánh tét đêm giao thừa

Nếu bánh chưng gắn với sự tích "bánh chưng bánh dày" của hoàng tử thứ 18 con Vua Hùng là Lang Liêu với ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn, đất vuông thì bánh tét cũng có những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, bánh tét là sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng thờ thần lúa.
Còn theo dân gian, đó là câu chuyện về vua Quang Trung trong cuộc chiến đấu chống quân Thanh vào ngày Tết. Trong lúc nghỉ ngơi, quân lính đã mang đến vua một loại bánh được gói trong lá chuối hình trụ. Khi thưởng thức, vua khen ngon và hỏi về loại bánh này.
Người lính thưa rằng rằng, đây là loại bánh mà người vợ ở quê nhà thường gói để ăn mang đi đường, mỗi lần ăn là anh nhớ về người vợ ở quê nhà. Vua Quang Trung cảm động và ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn vào dịp Tết, đặt cho cái tên quen thuộc là bánh Tết.
Đây được coi là nguồn gốc của bánh Tết trong ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Theo thời gian, do đặc trưng ngôn ngữ của vùng miền, người ta thường đọc "bánh tét" như là "bánh Tết".
Nồi bánh tét thường được nấu vào đêm giao thừa, tạo nên không khí ấm cúng và sung túc trong buổi sum họp gia đình. Cả nhà đều chờ đợi quanh nồi bánh, tận hưởng khoảnh khắc đặc biệt này.
Những câu chuyện kể quanh nồi bánh tét đều là chuyện vui, kỷ niệm hồn nhiên của con trẻ hay hồi ức đẹp đẽ của ông bà, cha mẹ khiến người ta cảm thấy bao cơ cực hàng ngày chợt tan biến và sợi dây tình cảm gắn kết gia đình càng bền chặt.
Đi chúc Tết
Đi chúc Tết nhau trong những ngày đầu năm mới là tục lệ đẹp của người Việt có từ ngàn đời. Không chỉ chúc Tết họ hàng, người Việt phải đi đủ nhà người quen cùng làng, cùng xóm. Có trường hợp, mới hôm qua gặp nhau cả buổi, thế mà hôm sau là đầu năm mới lại khăn áo chỉnh tề đến nhà thăm nhau để "chào anh, chào chị, chào bạn nhân năm mới".
Theo truyền thống, tín ngưỡng của người Việt, việc chúc Tết, thăm nhau biểu trưng cho tinh thần nhân ái, lạc quan nhằm quên đi những nhọc nhằn vất vả, những điều không như ý, thậm chí cả những buồn phiền trong quá khứ để cùng nhau hướng đến năm mới tốt đẹp.
Quanh năm mọi người đều tất bật công việc hoặc đi làm ăn xa gia đình, lo học hành, ít có dịp đoàn tụ, thậm chí vì lý do nào đó mà giận ghét nhau thì Tết đến, họ cũng rộng lòng gạt bỏ hiềm khích, giận hờn để đón một năm mới thanh thản, tốt đẹp hơn năm cũ...
Đó chính là ý nghĩa nhân văn của việc chúc Tết. Phong tục cổ truyền này giúp mọi người cảm nhận được sự thân thiện, vị tha và niềm vui trong đời sống. Đó chính là phong vị truyền thống cực kỳ quý báu mà chúng ta cần duy trì, gìn giữ.
Thành phố mỗi ngày một phát triển, vùng ven Sài Gòn xưa đã đi vào đô thị hóa. Nhiều dấu tích cũ không còn nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, trong tâm trí của nhiều người lại bồi hồi nhớ lại những cái Tết xưa. Dẫu biết rằng Tết cũng sẽ thay đổi cùng dòng chảy thời gian với quy luật riêng nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của những người hoài cổ, nhớ Tết còn là một nghĩa vụ rất thiêng liêng.
Châu Trường Thanh
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ