Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: TTXVN
Sáng 8/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ II Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện Hiệp hội Cựu chiến binh quốc gia Lào, đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại diện 38 tổ chức hội, câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh trong cả nước, cùng khoảng 300 đại biểu doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập vào tháng 4/2013, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam đã quán triệt sâu sắc phương châm “Đoàn kết - Nghĩa tình - Hợp tác - Cùng phát triển”, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực và đầy ý nghĩa là động viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tích cực sản xuất kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện xã hội. Chủ trương này bắt nguồn từ nhu cầu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cựu chiến binh và từ nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu nặng giữa những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường.
Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, ngày càng phát triển về cả bề rộng và chiều sâu, trở thành một tập thể những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” sau khi rời quân ngũ, tiếp tục hoạt động trên mặt trận mới, đạt được những kết quả to lớn, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.
Khi mới thành lập, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam có 19 tổ chức hội viên của 19 tỉnh/thành phố, đến nay đã phát triển được 38 tổ chức hội viên, 7.728 doanh nghiệp, 82.791 trang trại của cựu chiến binh, tổng doanh thu đạt gần 200.000 tỷ đồng, nộp thuế hơn 12.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 800.000 lao động; ủng hộ xây dựng gần 400 nhà tình nghĩa, 50 nhà tình thương và đóng góp vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo 524 tỷ đồng. Sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh là rất có ý nghĩa, đa dạng, hiệu quả thiết thực và có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.
Ảnh: TTXVN
Tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội.
Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích to lớn mà Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; biểu dương các doanh nhân cựu chiến binh trên cả nước đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tích cực sản xuất kinh doanh, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam mà Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hiệp hội bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương để hoạt động sản xuất kinh doanh của cựu chiến binh luôn phù hợp với định hướng phát triển chung. Hiệp hội cần chú trọng phát triển mạnh các loại hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh để giảm nghèo bền vững; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu Chiến binh Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hiệp hội đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tiêu biểu để các phong trào thi đua trong doanh nhân cựu chiến binh phát triển ngày càng sâu rộng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”…, thể hiện tấm lòng nhân ái với cộng đồng, tình đồng chí thủy chung, nghĩa cử cao đẹp đối với đồng đội, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, thu hút ngày càng đông đảo các doanh nhân cựu chiến binh tham gia các hoạt động của Hiệp hội và thực hiện tốt chức năng là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để hoạt động của các cấp Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam ngày càng có hiệu quả thiết thực. Chủ tịch nước mong muốn Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục giành được những kết quả, thành tích to lớn hơn nữa, tích cực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.