Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Chưa xử lý nghiêm cán bộ không tiếp dân

(Dân sinh) - Lĩnh vực khiếu nại, tố cáo mở rộng; nhiều nội dung, hành vi mới bị tố cáo, khiếu nại… nhưng nếu cán bộ “chịu” tiếp dân thì tình hình sẽ giảm.

Chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.

Khiếu nại tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp

Cả 3 báo cáo của Chính phủ, Viện KSND tối cao và TAND tối cao đều chung nhận định: Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo là: Môi trường; đất nông - lâm trường; quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khi trình bày báo cáo của Chính phủ còn nhận định: Trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước...

“Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình dành nhiều thời gian chủ trì các cuộc họp với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc bộ, ngành và địa phương có ý kiến khác nhau…”, báo cáo của Chính phủ cho hay.

Sau khi ông Khái trình bày báo cáo, lần lượt viện trưởng Viện KSND Tối cao và phó chánh án TAND Tối cao trình bày báo cáo. Ở khâu thẩm tra, cả Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều khá đồng tình với các báo cáo của ba cơ quan nói trên nhưng cũng chỉ ra một số hạn chế về số liệu và việc thiếu vắng đánh giá tác động của việc để khiếu nại, tố cáo kéo dài, gay gắt và vượt cấp.

Chưa xử lý nghiêm cán bộ không tiếp dân - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tiếp dân tốt sẽ giảm khiếu nại

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay là mới đi giám sát việc tiếp dân ở Bình Phước thấy có trường hợp rất hay. Đó là việc trước đây chủ tịch thị xã Đồng Xoài không tiếp dân đầy đủ. Ngay sau khi vị chủ tịch này bị thay thế và chủ tịch mới đã thực hiện tiếp dân 1 tháng 2 lần theo quy định. “Việc này đã có tác động tốt, tích cực. Tiếp dân đúng quy định như vậy sẽ giảm khiếu nại, tố cáo”, bà Hải nói và đề nghị cần làm rõ cả việc tiếp dân của các bộ, ngành.

1.508 là con số vụ, việc khiếu nại đúng nằm trong con số khiếu nại đúng và đúng một phần. Cạnh đó có tới 819 tố cáo đúng hoàn toàn nằm trong số vụ tố cáo đúng và đúng một phần.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá báo cáo của Chính phủ “chất lượng hơn năm ngoái” nhưng khi đề cập tới việc tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo thì bà Nga đề nghị phải thực hiện nghiêm theo luật. Bà cho hay, qua số liệu kiểm tra cho thấy, một tỉnh phía Nam có trường hợp 2 Giám đốc sở và 1 Cục trưởng Cục Thuế trong 5 năm liền không tiếp dân lần nào. “Nhưng 2 người ấy không bị làm sao, không bị kỷ luật gì. Tiếp hay không tiếp cũng không sao cả. Cái đó là do chúng ta xử lý không nghiêm”, bà Nga nói.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Nhiều vụ việc vẫn còn phức tạp và nhiều vấn đề đặt ra. Tôi băn khoăn về việc nhiều nơi nói trả lời khiếu nại, tố cáo đạt 90% nhưng ở đây phải trả lời rõ là đã giải quyết hay là “đã nhận đơn và sẽ nghiên cứu giải quyết”.

Liên quan tới khiếu nại về đất đai, bà Nga cho hay, việc thu hồi đất giao cho doanh nghiệp theo con đường hành chính dẫn đến nhiều sai phạm và tham nhũng khiến dân bức xúc. “Đề nghị Chính phủ cần làm rõ xem Điều 62 Luật Đất đai đã bị vận dụng như thế nào. Nhất là từ vụ Thủ Thiêm, cần phải làm rõ xem nguyên nhân là vì cái gì, phần nào là do Luật Đất đai, phần nào là do tổ chức thực hiện”, bà Nga phát biểu và đề nghị Chính phủ lưu ý tới vấn đề tái định cư cho người dân ở những nơi bị thu hồi đất theo phương châm “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo mới

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, năm 2019 xuất hiện một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết; các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài nhiều năm có phần gia tăng. Cụ thể là nhiều đơn gửi đến Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tố cáo về các về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, ra bản án trái pháp luật… Nhưng về bản chất, nội dung các đơn này là khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Còn Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang thì nhận định: Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan nhà nước nói chung và TAND nói riêng.