Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Để chợ truyền thống phát huy hiệu quả

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sự ra đời của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và các kênh bán hàng online đã đặt chợ truyền thống trước sự cạnh tranh khốc liệt. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025.

Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, thành phố đầu tư xây mới 17 chợ và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ. Vấn đề đặt ra là Hà Nội cần có những giải pháp để các chợ truyền thống hoạt động hiệu quả sau khi được “lên đời”.

“Chết yểu” sau khi được “lên đời”

Với mong muốn góp phần thay đổi hình ảnh, bộ mặt Thủ đô trong lĩnh vực thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, từ năm 2009 đến đầu 2010, hàng loạt chợ dân sinh của Hà Nội được xây dựng mới, cải tạo thành các trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống.

z5531467441503_321b3fa7ca5973b3e7fa0ce0466e0dab.jpg
Khung cảnh đìu hiu tại chợ Mơ, Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Dũng)

Thế nhưng, sau khi phá dỡ, sửa chữa, nâng cấp để xây thành các trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống, hàng loạt khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội như: Hàng Da, Cửa Nam, Mơ, Ô Chợ Dừa, Hôm - Đức Viên… đều trong tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”.

Nằm tọa lạc trên “đất vàng”, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) là một trong những đơn vị đầu tiên khu vực nội thành thực hiện chuyển đổi mô hình từ chợ thành trung tâm thương mại. Chợ Cửa Nam được khởi công năm 2007 với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, chợ dần vắng khách và từ năm 2017 không còn hộ kinh doanh. Giờ dấu tích duy nhất còn sót lại là dòng chữ “Chợ Cửa Nam”.

Cũng nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm quận Hoàn Kiếm là chợ Hàng Da. Được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hàng Da xây dựng đầu năm 2009, trên nền chợ cũ có diện tích hơn 3.000m2, chợ có quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng.

Tuy được cải tạo lại khang trang và sạch sẽ song Trung tâm thương mại Hàng Da đến nay vẫn không thể tìm lại vẻ sầm uất khi xưa. Ngoài khu vực ăn uống, các ki ốt kinh doanh vải vóc, quần áo, rượu bia, nước giải khát... đều vắng khách.

Theo các tiểu thương, từ ngày chợ "lên đời" với hệ thống thang máy hiện đại, việc buôn bán trở nên ế ẩm vì người dân chỉ mua mớ rau, con cá thì ngại phải đi xuống tầng hầm gửi xe.

Tương tự, công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ (Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích đất 11.000m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng, chợ truyền thống.

Từ năm 2014, khu chợ được đưa xuống tầng hầm của tòa nhà. Chợ Mơ được bố trí với tổng số 1.130 ki ốt đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, số ki ốt kinh doanh thực tế chỉ hơn 300. Không bán được hàng nên các tiểu thương buộc phải sang nhượng hoặc thậm chí đóng cửa ki ốt để tìm hướng kinh doanh mới.

Khác với mô hình chuyển đổi từ chợ truyền thống xây mới thành chợ trung tâm thương mại, chợ Hôm - Đức Viên nằm trên mặt tiền phố Huế - phố Trần Xuân Soạn, vị trí "đắc địa" nhất trong số chợ nổi tiếng của Hà Nội, được cải tạo thành khu chợ hiện đại.

Hiện nay khi bước vào chợ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đìu hiu, số quầy hàng đóng nhiều hơn số quầy mở. Chợ Hôm - Đức Viên có hai tầng, gồm nhiều ki ốt được quy hoạch phân khu riêng biệt, ngăn nắp hơn hẳn chợ truyền thống. Nhưng trái ngược với cảnh tấp nập thường thấy ở chợ Hôm xưa kia là sự ảm đạm, thưa thớt khách...

Cần bám sát nhu cầu dân sinh

z5531467184412_4e0bd9a3ec3e7e3fad758faf868e666a.jpg

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025.  Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, thành phố đầu tư xây mới 17 chợ (năm 2024 hoàn thành 5 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ).

Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm dự kiến có 4 chợ; huyện Thanh Trì 3 chợ; quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông 2 chợ; quận Tây Hồ, huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ.

Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ (năm 2024 hoàn thành 10 chợ, năm 2025 hoàn thành 11 chợ). Các chợ chủ yếu tập trung tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên…

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, chợ truyền thống vẫn đảm bảo cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn có vai trò đóng góp vào phát triển du lịch, giao lưu giữa các tầng lớp dân cư và phục vụ người dân.

Theo ông Phú, để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, nhân viên của chợ được đào tạo, tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…

Cải tạo chợ phải đi đôi với quản lý trong khuôn viên chợ, ngoài chợ. Cần đầu tư cho xứng tầm, chợ phải thu hút khách du lịch chứ không chỉ để bán hàng cho người dân. 

“Tại nhiều nước, khách du lịch thường đến chợ chứ không đến siêu thị, Việt Nam lại bỏ quên địa điểm quan trọng này. Phải coi chợ là mục tiêu để phát triển, cần có chợ du lịch, chợ dân sinh hay chợ đầu mối”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lượng người đến chợ truyền thống vẫn khá phổ biến. Do vậy, chợ truyền thống vẫn có thể tồn tại được mặc dù vai trò ngày càng giảm so với siêu thị hay trung tâm thương mại.

Vậy nên để chợ truyền thống hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, việc đầu tiên là cải tạo thành khu chợ khang trang, vệ sinh, có tổ chức và trật tự. Thực tế, một số khu chợ đã được xây dựng nhưng lại không có người đến mua - bán, dẫn đến bỏ hoang, rất lãng phí.

Ông Hiếu cho rằng, chợ truyền thống phải được trang bị tiện nghi, đầy đủ; cùng với đó là dùng biện pháp hành chính để đưa người bán lẻ ở khu chợ dân sinh cũng như chợ cóc, chợ tạm vào bán tại chợ truyền thống.

Để các tiểu thương tại chợ truyền thống tăng doanh thu, chất lượng hàng hóa phải được cải tiến, rau, củ, quả phải tươi ngon, thực phẩm tươi sống, an toàn. 

“Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, tiểu thương cũng nên kết hợp bán hàng online, hàng hóa phải niêm yết giá. TP Hà Nội phải có nghị quyết về chợ của để triển khai quy hoạch một cách khoa học, bài bản như nhiều quốc gia đã làm. Có như vậy, chợ truyền thống mới khôi phục được”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, lợi ích của các tiểu thương và người dân, TP Hà Nội cần ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, thế mạnh về công nghệ, uy tín trong kinh doanh để thực hiện đầu tư xây dựng chợ đảm bảo thời gian thi công ngắn, phương án thiết kế hiện đại, đặc biệt không làm xáo trộn tập quán kinh doanh, buôn bán của tiểu thương và thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa của người dân.

Cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn và xã hội hóa là cần thiết để phát huy nguồn lực. Tuy nhiên, để phù hợp, cũng cần xem xét điều kiện cụ thể của từng địa phương, từ đó mới quyết định cải tạo, xây dựng chợ cho phù hợp với lợi ích đời sống dân sinh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân.

Chợ đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết. Vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại.

“Muốn làm được điều này, Nhà nước phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

 

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội số 71