Bà Rịa - Vũng Tàu: “Cầm tay chỉ việc” hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp trên nền tảng số
Thông qua hoạt động kết nối giao thương do Cộng đồng kết nối doanh nghiệp Việt Nam (OBC) tổ chức, chị Nguyễn Thị Hồng Lan, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình Hồng Lan (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, sản phẩm từ lục bình chủ yếu bán trực tiếp theo cách truyền thống xưa nay.
Lần này, được tham gia vào chương trình kết nối giao thương, chị được học hỏi phương thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như kênh Facebook, Zalo và các trang thương mại điện tử khác.
Chị Lan chia sẻ: “Việc ứng dụng hình thức livestream không chỉ đưa sản phẩm vươn xa hơn mà còn giúp chị em phụ nữ tự tin trong kinh doanh”.

Với mục tiêu đào tạo và huấn luyện nhằm tăng kỹ năng quản trị doanh nghiệp và kỹ năng kinh doanh nên ngoài các hoạt động kết nối giao thương, các doanh nghiệp trong OBC Việt Nam đã “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các hội viên phụ nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân TP. Vũng Tàu phương pháp livestream, thiết lập mạng lưới quan hệ kinh doanh trên nền tảng số.
Chị Triệu Kim Ngọc, chủ một nhà hàng dinh dưỡng ở TP. Vũng Tàu kỳ vọng, với phương thức mới này sẽ có thêm nhiều khách hàng. Qua kênh online tôi được kết nối với nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng các địa phương, hy vọng lượng khách hàng tới đây sẽ tăng cao.
Theo bà Cấn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN TP. Vũng Tàu, hoạt động kết nối giao thương cho chị em phụ nữ khởi nghiệp giúp chị em có cơ hội kết nối thông tin và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng trên nền tảng số. Nếu phát huy tốt sẽ giúp phụ nữ và các doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trên thương trường tạo ra một cộng đồng kinh doanh mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội.
Đắk Lắk: Ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất kinh doanh
Lớp học tương tự cũng được diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở đề xuất của Hội Nữ tri thức tỉnh về hỗ trợ tập huấn cho hội viên nữ tri thức và phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nội dung lớp tập huấn đã được chuyên gia tập trung xây dựng kiến thức, kỹ năng bán hàng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, quản lý vận hành gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh;
Đồng thời, ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất kinh doanh và xây dựng mô hình khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp do nữ làm chủ; tham gia xây dựng chính sách, đào tạo khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, pháp lý, xây dựng mạng lưới liên kết doanh nghiệp nữ...;
Hỗ trợ phụ nữ thiết lập trang Web, Facebook, fanpage cá nhân để livetream, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; ứng dụng phần mềm thương mại điện tử để tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng lớn như: Facebook, Amazon, Shopee, Sendo, Lazada…
Ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng và sáng tạo, những tấm gương điển hình, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Đội ngũ doanh nhân nữ, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, hợp tác xã, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Nghệ An, Bình Định: Ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong kinh doanh
Tại khoá đào tạo “Ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong kinh doanh”, học viên là các nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được lĩnh hội các nội dung về công nghệ số trong kinh doanh.
Cụ thể như: Cách thiết kế hình ảnh, banner, tờ rơi chuyên nghiệp để truyền thông trực tiếp và đăng trên website, các nền tảng thương mại điện tử (ứng dụng Canva). Đặc biệt, bí quyết làm video ngắn đăng trên các mạng xã hội (Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram) bằng điện thoại thông minh và thực hành làm video ứng dụng AI trên máy tính…
Tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vừa diễn ra “Khóa đào tạo Thương mại điện tử và Chiến lược xây dựng thương hiệu số cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”. Theo đó, việc nắm vững kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực Thương mại điện tử và thương hiệu số không chỉ giúp các chị em hiểu rõ hơn về thị trường, mà còn trang bị những công cụ cần thiết để thành công trong môi trường kinh doanh số.
Những kiến thức và kinh nghiệm mà các nữ doanh nhân thu được từ khóa học không chỉ hữu ích cho sự nghiệp của các chị mà còn có thể góp phần làm thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận và thực hiện thương mại điện tử trong tương lai.
Ngoài ra, các nữ chủ doanh nghiệp còn được các chuyên gia giải đáp những thắc mắc về Thương mại điện tử và phát triển chiến lược thương hiệu số; được chia nhóm thực hiện bài tập khởi động, lập kế hoạch, viết kịch bản… và thực hiện trắc nghiệm..