Mọi thứ hẳn sẽ sạch hơn, quy củ hơn, nhưng với nhiều người, những gì thuộc về ngày hôm qua của con phố nhỏ giữa trung tâm TPHCM này vẫn gợi lại nhiều cảm xúc…
Bùi Viện là một trong 4 “phố Tây” nổi tiếng của TPHCM. So với 3 con đường kia, nó không to lớn, rộng rãi như đường Phạm Ngũ Lão, không lãng đãng mơ mộng như đường Đỗ Quang Đẩu, cũng không sầm uất và “phồn thực” như đường Đề Thám. Nhưng nó đầy màu sắc, và nhất là rất đông đúc, lúc nào cũng vui tràn cung mây…
***
Trước khi trở thành “phố Tây” cách đây chừng 30 năm, con đường này vốn đã có “truyền thống”… ăn chơi. Từ những năm 1950, đường Bùi Viện được biết đến như một trong vài “trung tâm nhậu nhẹt” ở giữa TPHCM, với những quán nhỏ xập xệ, những bàn ghế cây thô sơ được đặt trên vỉa hè, nổi tiếng với những món nhắm độc đáo của Nam bộ.
Đó là nơi “vui vẻ” của những người thuần túy là công chức hay “tư chức” sau một ngày làm việc vất vả. Đặc biệt, khu này còn có một dạng “ẩm khách” khá đặc biệt, đó là những nghệ sĩ cải lương, vì ở gần đó là rạp Nguyễn Văn Hảo.
Đây cũng chính là nơi khởi phát của loại hình Cafétéria (cà phê nhạc sống) ở Sài Gòn, với quán đầu tiên là phòng trà Anh Vũ, một thời quy tụ nhiều danh ca như Duy Khánh, Thái Thanh, Thanh Thúy, Bạch Yến, Lệ Thu, Khánh Ly…
Khách đến cafétéria vừa nhấm nháp hương vị thơm nồng của ly cà phê, vừa thưởng thức những giọng ca đình đám của Sài Gòn. Hầu hết đều ăn mặc lịch sự, có phần chải chuốt, không bao giờ gây ồn ào.
Còn ngay đầu đường, nơi hiện giờ là cửa hàng của Savico, chính là vũ trường Tour d' Ivoire nổi tiếng từ thời Pháp. Trước đó nó là hotel Tân Việt. Những cụ già ngoài 80, 90 tuổi thời ấy còn trẻ trung, kể rằng “được vào vũ trường này để khiêu vũ chẳng khác nào được lên… thiên đường.
Bởi ở Sài Gòn khi ấy, chẳng nơi nào có được không khí rộn ràng, sống động, và nhất là có nhiều gái xinh, trai đẹp như nơi ấy”…
Còn với những người từng sống ở khu phố cổ Hà Nội di cư vào Nam thì tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa con đường Bùi Viện với phố Tạ Hiện của Hà Nội. Trong những năm đất nước còn chia cắt, nhiều người gốc Hà thành vẫn thường tản bộ trên con đường này, họ bước rất chậm để gặm nhấm những hoài niệm về cố hương…
***
Thế rồi, sau chừng 3 thập niên tưởng như ngủ vùi trong quên lãng, con phố ấy lại một lần nữa bừng lên nhịp sống sôi động, khi “tây ba lô” nườm nượp kéo đến. Những quán xá, nhà nghỉ mọc lên như nấm chỉ trong vòng 1-2 năm.
Không chỉ nhà ngoài mặt tiền, mà hầu như tất cả nhà trong các hẻm cũng đều biến thành những “khách sạn” dành cho khách Tây. Những khách sạn có khi là rất nhỏ, trang bị rất đơn sơ, nhưng có thể tìm thông tin trên Agoga - trang đặt khách sạn quốc tế, một cách dễ dàng.
Tất cả mọi cư dân ở đó đều trở thành những doanh nhân lớn nhỏ, vừa cạnh tranh với nhau, vừa “cộng sinh” để tạo nên một “phố Tây” sôi động, náo nhiệt.
Nếu người ta nói Sài Gòn là thành phố không có đêm, thì điều đó thể hiện rõ nhất trên chính con phố này! Bởi Bùi Viện là con đường nhộn nhịp nhất, đông đúc nhất, vui nhất phố Tây, với rất nhiều quán bar và quán bia nhỏ nhỏ tràn ngập lề đường, tràn cả xuống dưới lòng đường.
Đông vui nhất là vào nửa đêm về sáng. Suốt đêm, con phố chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn cuộc hội ngộ. Những khác biệt về ngôn ngữ, màu da không còn nhiều ý nghĩa. Chỉ cần vài cú “cụng ly” là đủ để những người xa lạ trở nên thân thiết với nhau.
Những câu chuyện bên bàn nhậu nở như bắp rang, kéo dài tưởng như bất tận… Thế rồi, sau hội ngộ là chia tay. Rất nhiều cuộc chia tay không hẹn ngày tái ngộ.
Con đường này về đêm có đủ thứ trò vui. Nơi này là một ban nhạc đường phố với một tay trống, một tay guitar và một ca sĩ nghiệp dư trình diễn từ những bản nhạc rock ballad của thập niên 1970 đến những bản rock-metal rạo rực, đằng kia là một người phụ nữ diễn trò “phun lửa” đầy mạo hiểm, khiến người xem tròn mắt ngạc nhiên…
Ở giữa chốn này, dường như mọi người đều muốn và cũng đều có thể trở thành những nghệ sĩ.
Trong bầu không khí cuồng nhiệt như vậy, không hát, không nhảy thì quả là quá lãng phí!
***
Nhiều người nước ngoài cho biết, họ thích sống ở đây vì có sự gần gũi, thân thuộc như một đại gia đình. Có những người chỉ ở vài ba ngày trước khi ra miền Trung, hay sang Campuchia. Cũng có một số người ở hàng tháng, thậm chí cả năm để làm việc, chủ yếu là dạy tiếng Anh, sáng tác nghệ thuật, chụp ảnh…
Ở đây, chúng tôi gặp một người phụ nữ tên Sen, đêm nào cũng cùng hai cậu con trai ra góc đường Đề Thám - Bùi Viện để diễn trò phun lửa, nhai lưỡi dao lam mưu sinh.
Lúc rảnh rỗi, chúng tôi ngồi nghe chị kể về chuyện đời đầy trắc trở của mình: Chị Sen sinh năm 1984, mồ côi cha từ năm lên 10 tuổi. Đó cũng là lúc mẹ chị đưa 2 cô con gái từ quê lên Sài Gòn bán vé số, bắt đầu cuộc sống đầy sương gió.
Năm 19 tuổi, chị lấy chồng - một người làm nghề đánh giày. Nhưng vì không chịu nổi thói vô tâm và bê tha của chồng, sau khi có 2 cậu con trai, chị quyết định ly hôn. Một thân một mình nuôi hai con nhỏ, chị phải học làm đủ thứ công việc.
Cho đến một ngày, có người “mách” chị nghề diễn xiếc dạo để tranh thủ kiếm thêm tiền vào buổi tối, thế là chị mua xăng về tự tập phun lửa, nuốt lửa, rồi tập… nhai lưỡi dao lam hay nuốt rắn...
“Hồi mới tập, miệng tui chi chít vết thương, nhưng chỉ biết uống nước lọc cho trôi máu vô bụng thôi. Đến khi làm được rồi thì lại không có chỗ để “biểu diễn”, vì hầu như chỗ nào cũng có bảo kê, mình lớ ngớ vô diễn là bị đánh bầm người liền. May mà có phố đi bộ Bùi Viện mở ra, tui mới có chỗ kiếm sống”, chị kể.
“Chương trình biểu diễn” của chị thường bắt đầu từ 20 giờ. Hai cậu con trai đi cùng mẹ để bán kẹo kiếm thêm tiền. Đến 23 giờ, bà ngoại ra đưa 2 con về, còn chị vẫn tiếp tục ở lại làm đến 1- 2giờ sáng.
Hỏi chị, làm việc nguy hiểm và độc hại như vậy có sợ gì không? Chị cười: “Biết là vậy, nhưng không làm thì mấy mẹ con sống bằng gì? Với tôi, làm việc gì dẫu có nặng nhọc, khổ đến mấy cũng được miễn là có tiền cho con ăn học. Hai đứa nhỏ mặc dù chỉ được học trường tình thương, nhưng đều rất giỏi, năm nào cũng được giấy khen”.
Người phụ nữ ấy kể xong câu chuyện của mình, lặng lẽ thu xếp “đồ nghề” rồi âm thầm ra về. Đã hơn 2 giờ sáng nhưng con phố vẫn ồn ào, náo nhiệt như đầu hôm. Những cuộc vui vẫn tiếp diễn cho đến khi bình minh ló dạng…
Đường Bùi Viện dài 1.400 m, là một “cạnh” của “tứ giác phố Tây” Sài Gòn. Con đường này tuy nhỏ nhưng đã hình thành từ rất sớm, với khoảng 150 tuổi, từ xưa đã là khu dịch vụ và ăn uống nổi tiếng. Năm 1993, khi khu vực “phố Tây” được nhắc đến trong tập sách du lịch “Lonely Planet”, nhiều nhóm du khách “bụi” từ Nhật, Pháp, Anh, Mỹ... đã chọn nơi này làm điểm hẹn khi họ đến Sài Gòn. |
Việt Hùng
Báo Lao động và Xã hội số 147