Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đình chỉ phát hành sách Từ điển chính tả tiếng Việt lại sai chính tả

(Dân sinh) - Ngay sau khi nhận được phản ánh về một số lỗi chính tả trong cuốn từ điển chính tả do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, nhà xuất bản lập tức cho rà soát lại và đình chỉ phát hành sách.

Tối 12/6, theo VTC, bà Nguyễn Hồng Nga, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi trao đổi với tác giả và tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn phía Nhà xuất bản ra quyết định thu hồi sách "Từ điển chính tả tiếng Việt". Trước đó, hôm 10/6, đơn vị thông báo đình chỉ phát hành sách.

Về quá trình biên tập sách, bà Nga chia sẻ, từ đầu năm 2018, nhà xuất bản đã tổ chức biên tập bản thảo ban đầu của cuốn sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng làm chủ biên.

Quá trình biên tập bản thảo diễn ra theo đúng nguyên tắc, quy trình thẩm định nghiêm ngặt và có đối chiếu với các cuốn sách từ điển ra đời trước đó.

Ngay sau khi nhận được phản ánh về một số lỗi chính tả trong cuốn từ điển chính tả này, nhà xuất bản lập tức cho rà soát lại. Tuy nhiên, tác giả Hà Quang Năng khẳng định việc đưa những từ đó vào từ điển là tính toán có chủ ý, nhằm cho thấy việc chuẩn hóa chính tả hiện nay còn nhiều vấn đề nan giải.

"Đây là quan điểm khoa học, mục đích của các tác giả khi biên soạn cuốn sách này. Vì vậy, nhà xuất bản tôn trọng quan điểm và giữ nguyên ý đồ. Đồng thời, để phân định được vấn đề về chính tả này đúng hay sai, cần có kết luận chính thức từ các hội đồng chuyên môn uy tín. Nhà xuất bản không thể đưa ra ý kiến cá nhân một chiều, cần có sự tư vấn kỹ lưỡng", bà Nga nói.

 Đình chỉ phát hành sách Từ điển chính tả tiếng Việt lại sai chính tả - Ảnh 1.

Sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS Hà Quang Năng chủ biên và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương. (Ảnh: NXBCC)

Ngày 9/6, PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" đã lên tiếng: “Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay. Trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi cũng tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.

Vị tác giả cho rằng, chính tả tiếng Việt rất phức tạp nên nhiều độc giả chưa chắc rõ thể lệ biên soạn. Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn.

Mục đích cuốn từ điển này không phải là giải nghĩa từ này là gì mà tôi làm chính tả và đưa ra bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay.

“Tôi tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì tôi nhận sai. Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa”, PGS.TS Hà Quang Năng cho hay.

Tuy nhiên, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công lại cho rằng, Tiền phong đưa tin: “Dứt khoát phải thu hồi tiêu hủy, không chỉ đình chỉ để sửa chữa”, Hoàng Tuấn Công nói. Sở dĩ ông Công đề xuất như vậy vì lỗi trong sách dày đặc, điều quan trọng hơn, cấu trúc của từ điển phải thay đổi hoàn toàn. “Cuốn từ điển này phi khoa học, hỏng từ cách trình bày, phương pháp biên soạn, không chỉ phạm lỗi chính tả. Lộn xộn tới mức có cảm giác chính tác giả cũng bị lạc vào mê hồn trận. Hậu quả là không kiểm soát được cách viết và các dạng chính tả”, ông Công nói.

 Đình chỉ phát hành sách Từ điển chính tả tiếng Việt lại sai chính tả - Ảnh 2.

Chủ biên - PGS.TS Hà Quang Năng sau bài trao đổi của Hoàng Tuấn Công có văn bản trình bày với NXB, một mặt tiếp thu góp ý mặt khác vẫn bảo vệ phần sai. Đại diện NXB cho biết: nhóm tác giả lí giải mục đích biên soạn cuốn từ điển nhằm “cung cấp các dạng chính tả chuẩn của từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời nêu những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong đời sống”.

“Đó là lời ngụy biện. Như tôi nhấn mạnh: Đây là từ điển chính tả không phải từ điển ngôn ngữ, vì thế phải hướng dẫn viết theo chuẩn chính tả hiện hành, không thể đưa ra những từ ngữ chưa chuẩn chính tả, rồi tùy khả năng chính tả và sự may rủi trong tra cứu của người dùng”, ông Công phản hồi.

Sai chính tả không hiếm trong ngành xuất bản, tuy nhiên với “khuôn vàng thước ngọc” của một cuốn từ điển chính tả là khó chấp nhận. Chưa kể còn “tình tiết tăng nặng” khác. Số là đầu năm 2020, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội từng phải tiêu hủy Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam do đánh cắp và sao chép nhiều cách giải thích công bố trước đó của Hoàng Tuấn Công.

Hoàng Tuấn Công cho rằng NXB này có lỗi hệ thống, xuất phát từ sự biên soạn yếu kém, tiếp đến là sự dễ dãi và chủ quan của NXB cũng như công ty sách liên kết trong khâu biên tập. Có lẽ họ quá tin tưởng vào học hàm học vị của nhóm tác giả mà quên đi khâu biên tập rà soát bản thảo, kể cả các lỗi văn bản.

Việc xử lý vi phạm chưa đến nơi đến chốn nên chưa có tính răn đe. Ví như sau khi tiêu hủy cuốn sách đạo văn nêu trên, bên bị vi phạm bản quyền không hề nhận được lời xin lỗi chính thức nào từ NXB, công ty sách hay nhóm tác giả. NXB bình an vô sự còn nhóm ba tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên liên quan cuốn sách đạo văn Thành ngữ tục ngữ Việt Nam bị tiêu hủy tới nay vẫn là ẩn số. Ông Hoàng Tuấn nói.