Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Bảo đảm an toàn cho trẻ em mùa lễ hội

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Mùa xuân là dịp nhiều gia đình vui chơi hội hè. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn gia tăng các tai nạn thương tích ở trẻ em nếu không được giám sát và bảo vệ cẩn trọng.

Việc nhận diện các nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích 

Bảo đảm an toàn cho trẻ em mùa lễ hội - 1
Cha mẹ cần trông nom cẩn thận khi cho trẻ tham gia các lễ hội đông người. (Ảnh: Đan Thanh).

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời điểm 2024, Việt Nam hiện có khoảng 8.868 lễ hội được tổ chức hằng năm. Trong số này, lễ hội truyền thống chiếm phần lớn với 8.103 lễ hội, tiếp theo là 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề và 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Tính trung bình, mỗi ngày trên cả nước diễn ra khoảng 22 lễ hội, phản ánh sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Các địa phương có số lượng lễ hội lớn bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ, với nhiều lễ hội nổi tiếng như hội Gióng, hội chùa Hương, đền Hùng… 

Do đặc thù các lễ hội mùa xuân thường diễn ra ở những khu vực đông đúc và náo nhiệt, nhiều phụ huynh bị cuốn vào các hoạt động cúng bái, chúc Tết, hội họp, mua sắm hoặc tham gia các nghi thức lễ hội truyền thống mà không để ý đến con trẻ.

Trong khi đó, các hoạt động vui nhộn, màu sắc rực rỡ, tiếng nhạc lớn có thể khiến trẻ mất kiểm soát hành vi, chạy nhảy quá mức và không để ý đến xung quanh làm nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao. 

Một số tình huống phổ biến có thể xảy ra như: Trẻ bị lạc trong đám đông tại các lễ hội, hội chợ hoặc đền chùa, gây hoảng loạn và dễ bị kẻ xấu lợi dụng; Trẻ nghịch ngợm, leo trèo ở các khu vực nguy hiểm như sân khấu lễ hội, cạnh giàn đèn, trụ cờ, gây nguy cơ té ngã nghiêm trọng;

Trẻ tự ý băng qua đường ở những khu vực đông người mà không có sự hướng dẫn của người lớn, dễ bị tai nạn giao thông; Trẻ tiếp xúc với đồ vật nguy hiểm như pháo hoa, nhang đèn, đồ uống có cồn, hóa chất mà không có sự kiểm soát của người lớn. 

Một nguyên nhân khác nữa là tâm lý chủ quan của nhiều bậc phụ huynh khi cho rằng trẻ đã lớn và có thể tự bảo vệ mình, dẫn đến việc để trẻ tự do quá mức mà không lường trước nguy cơ.

Bên cạnh đó, không phải nơi nào tổ chức lễ hội cũng được trang bị đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn hoặc lực lượng bảo vệ, cứu hộ đầy đủ dẫn đến một số rủi ro phổ biến bao gồm: Ao, hồ, sông suối không có rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm, dẫn đến tình trạng trượt ngã, đuối nước.

Nhiều khu vui chơi chỉ dựng tạm thời tại hội chợ, lễ hội; thiếu kiểm tra kỹ thuật, dễ gây tai nạn như đổ sập hoặc dụng cụ chơi bị hỏng gây thương tích. Nhiều tuyến đường gần khu lễ hội có mật độ tham gia giao thông đông đúc, không có hoặc thiếu lực lượng điều tiết giao thông, không có làn đường dành riêng cho người đi bộ, khiến trẻ dễ bị tai nạn giao thông.

Các khu vực nấu nướng, đốt lửa, bắn pháo hoa không có rào chắn có thể gây bỏng, cháy nổ cho trẻ khi không được cảnh báo và bảo vệ đầy đủ. Nguy cơ từ động vật thả rông ở vùng quê như trâu, bò, chó… có thể gây nguy hiểm cho trẻ, dẫn đến tình trạng bị cắn hoặc bị giẫm đạp.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn không chỉ ở trẻ em mà ở cả nhiều bậc phụ huynh cũng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố đáng tiếc.

Từ việc trẻ không được giáo dục về kỹ năng tự bảo vệ, không biết cách xử lý khi bị lạc, không biết cách nhận diện các tình huống nguy hiểm (chẳng hạn như tránh xa ao hồ, không đi theo người lạ, không chạm vào vật sắc nhọn hoặc đồ nóng)… cho đến người lớn không tuân thủ quy định an toàn tại khu vực lễ hội, để trẻ leo trèo lên các công trình nguy hiểm, chạy nhảy tự do mà không kiểm soát, hoặc không nhắc nhở trẻ giữ khoảng cách an toàn trong đám đông. 

Cùng với đó, việc thiếu kỹ năng sơ cứu cơ bản, kịp thời, như xử lý hóc dị vật, bỏng, đuối nước, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. 

Trong khi đó, vào mùa lễ hội, các bệnh viện, trung tâm y tế có thể gặp tình trạng quá tải, khiến công tác cấp cứu không kịp thời hoặc không đủ nguồn lực để phản ứng nhanh với các tình huống nguy cấp.

Giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em

Bảo đảm an toàn cho trẻ em mùa lễ hội - 2
Hội Lim thu hút đông đảo cả người lớn và trẻ em cùng tham gia (Ảnh: Bá Đoàn).

Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em trong mùa lễ hội, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, cộng đồng xã hội cần thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường và đảm bảo trẻ em được giám sát bởi người lớn, đặc biệt khi tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi có nguy cơ cao như gần ao, hồ, đường giao thông.

Giáo dục về an toàn, hướng dẫn trẻ nhận biết các nguy cơ và cách phòng tránh, như không chơi gần ao, hồ, không chạy nhảy trên đường giao thông, không tiếp xúc với vật sắc nhọn hoặc dễ cháy.

Cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường xung quanh an toàn cho trẻ, như lắp đặt rào chắn quanh ao, hồ, sửa chữa các thiết bị điện hỏng, cất giữ hóa chất và vật dụng nguy hiểm ngoài tầm với của trẻ. Đảm bảo công tác an toàn, giao thông được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trong mùa lễ hội.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các chương trình giáo dục về an toàn cho trẻ em và phụ huynh.

Trang bị kiến thức, đào tạo về kỹ năng sơ cứu cơ bản cho người lớn, trẻ em, để kịp thời ứng phó khi tai nạn xảy ra, như cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật, bỏng hoặc đuối nước.

Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục và giám sát trẻ em, tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích.

Có thể thấy, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa lễ hội là trách nhiệm chung của gia đình và cộng đồng. Việc nhận diện các nguy cơ, thực hiện các biện pháp phòng tránh và phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp trẻ em có một mùa lễ hội vui tươi và an toàn.

Xuân Quang

Ấn phẩm Vì trẻ em số 3

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...