Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng, trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.
Theo đó, Hà Nội sẽ có 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp thí điểm xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Dịch vụ xe đạp công cộng sẽ góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện...
Thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hóa trong phát triển giao thông công cộng.
Cụ thể, 6 quận nội thành được thí điểm trước ở giai đoạn đầu. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.
Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh: mở khóa xe bằng mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Theo Sở GTVT Hà Nội, mô hình thuê xe đạp giúp nâng cao hiệu quả phương tiện công cộng, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đề xuất xin được miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong giai đoạn đầu tư hay trong thời gian 1 năm thí điểm để tạo điều kiện ban đầu.
Hà Nội đã nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dịch vụ xe đạp công cộng sau khi TP.HCM và Vũng Tàu triển khai. Căn cứ kết quả, hiệu quả kinh doanh dịch vụ, đồng thời tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục báo cáo UBND thành phố xem xét việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí hay không thu phí vỉa hè. Theo tính toán của đơn vị phụ trách thí điểm, với phương án vé, quy mô và số lượng hành khách tương tự như TP Hồ Chí Minh, cần ít nhất 7 năm mới có thể thu hồi vốn.
Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, chính quyền thủ đô đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Những năm qua, Hà Nội thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện giữa ôtô, xe máy, xe thô sơ ở nhiều tuyến đường nhưng chưa có làn đường riêng cho xe đạp. Thành phố cũng nhiều lần có kế hoạch cho thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Tính đến tháng 7/2022, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn 1 triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Riêng với xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của thành phố.
Trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông ba năm tới, Hà Nội cũng dự định huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình có vai trò giảm ùn tắc; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, 4, 5.
Các trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; công trình cấp bách giải quyết ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông cũng sẽ được đầu tư.
Thành phố lên kế hoạch tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông, đồng thời xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 4 giờ được dừng nghỉ.
Hàng loạt giải pháp nói trên của thành phố nhằm đạt mục tiêu từ 2022 đến 2025, hàng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35%. Hàng năm, thành phố xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc, hạn chế phát sinh điểm mới; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối với các trục đường chính trong đô thị...