Sáng ngày 7/10, Reed Tradex Vietnam đã tổ chức họp báo về Triển lãm quốc tế về sản xuất và gia công cơ khí.
Theo đó, để góp phần giúp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cập nhật công nghệ, kết nối kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, Reed Tradex Vietnam tổ chức triển lãm METALEX Vietnam 2020 dưới hình thức trực tuyến. Ngoài ra, công ty cũng hợp tác cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh CSID) tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2020, cùng thời gian và nền tảng với METALEX Vietnam 2020, với mục đích kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Với việc đồng tổ chức METALEX Vietnam 2020 & Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2020, sự kiện sẽ là điểm đến toàn diện cho cộng đồng sản xuất, gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, sự kiện kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản cũng sẽ được diễn ra tại Hotel Nikko Saigon trong hai ngày triển lãm. Khách tham dự sẽ được gặp gỡ trực tiếp bên mua là các công ty Nhật Bản tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam, tham dự hội thảo chuyên ngành, trải nghiệm trình diễn công nghệ và lắng nghe “Tư vấn doanh nghiệp”.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam, đơn vị tổ chức triển lãm METALEX Vietnam 2020 cho biết: Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất và là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng chung quan điểm về việc vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất, ông Hirai Shinji – Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo khảo sát của JETRO thực hiện từ ngày 5 tháng 11 đến ngày 23 tháng 12 năm 2019 về hoạt động quốc tế của các công ty Nhật Bản, đối với các doanh nghiệp hiện có cơ sở ở nước ngoài và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn nữa, tỷ lệ các công ty lựa chọn Trung Quốc là 48,1%, giảm đáng kể so với năm trước (55,4%). Việt Nam đứng thứ hai với 41,0%, lần đầu tiên vượt 40%. Chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc thu hẹp xuống còn 7,1% ( so với mức 19,9% của năm trước). Điều này cho thấy, về việc mở rộng đầu tư quốc tế đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc đang suy giảm vị thế, trong khi Việt Nam đang trên đà bắt kịp”.
Không những thế, khi xét về tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại, ông Hirai Shinji cho biết: “Trong số tất cả các công ty tham gia khảo sát, tổng cộng 170 nguồn cung ứng đã được chuyển đổi (bao gồm chuyển đổi một phần và có kế hoạch chuyển đổi) trước tác động của bảo hộ thương mại. Về nguồn cung sau khi chuyển đổi, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “Việt Nam” và “Thái Lan” lần lượt là 24,1% và 13,5%. Nhìn vào các mô hình tái cơ cấu chính của nguồn cung, đứng đầu là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 22,4%, tiếp theo là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Thái Lan với 8,2%.”
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức. “Để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân viên”, theo ông Vũ Trọng Tài.
Bên cạnh đó, ông Hirai Shinji cũng nhấn mạnh thêm về thách thức của Việt Nam trước xu hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài: “Đối với ngành chế tạo, tỷ lệ thu mua nội địa của Việt Nam từ sau năm 2010 dần có sự gia tăng, tuy nhiên nếu nói tỷ lệ gia tăng cao những năm gần đây thì so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách chưa được rút ngắn.”
Ông Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đánh giá cao sự hợp tác lần này: “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020” là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thiết bị máy móc tiên tiến nhất, cập nhật công nghệ kinh doanh thông minh, khám phá các giải pháp gia công kim loại hiệu quả, cũng như các giải pháp để nâng cấp sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh ở lĩnh vực này trong tương lai”.
Khi chia sẻ về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của ITPC trong thời kỳ “bình thường mới”, ông Phong cho biết: “ITPC chính thức ra mắt giao diện Cổng thông tin điện tử mới được chia thành 2 cổng chuyên biệt dành riêng cho từng đối tượng doanh nghiệp có nhu cầu khác nhau tại địa chỉ: http://www.itpc.hochiminhcity.gov.vn. Cổng tiếng Việt dành cho nhà xuất khẩu bao gồm thông tin về xuất khẩu, thị trường, sản phẩm, các khóa huấn luyện cũng như các sự kiện về xúc tiến thương mại và đầu tư. Cổng tiếng Anh dành cho nhà nhập khẩu quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm thông tin về hàng hóa của Việt Nam và kết nối giao thương với doanh nghiệp nội địa; cơ sở dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam, hướng dẫn cách nhập hàng từ Việt Nam và các ưu đãi thương mại; chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục đầu tư và những điều cần biết để đầu tư vào Việt Nam.”