Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp thảo luận, xem xét báo cáo tổng hợp tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 và một số nhiệm vụ thời gian tới.
Phiên họp cũng dự kiến chương trình, nội dung và phân công chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp 2016 – 2021 được tổ chức vào ngày 2/2 tới.
Cũng tại phiên họp này, Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, thông qua nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, trong thời gian vừa qua, Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan hữu quan đã hoàn thành cơ bản việc ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử, tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền cũng như triển khai các công tác chuẩn bị nhân sự và xử lý khiếu nại, tố cáo; công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ cuộc bầu cử.
Sắp tới, để đảm bảo tiến độ theo quy định của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong tháng 2 và tháng 3/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử; thông qua nguyên tắc phân bổ người ứng cử ở Trung ương về địa phương; cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử; tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử và lập danh sách người ứng cử…
Hội đồng bầu cử cũng dành thời gian xem xét, thảo luận, thông qua các quy định về các mẫu văn bản trong công tác bầu cử, hướng dẫn về hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử, các trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tống số đại biểu Quốc hội khoá 14 sẽ không quá 500 người, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ít nhất có 3 đại biểu Quốc hội. Trong đó, đại biểu dân tộc thiểu số sẽ được xét trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ít nhất là 18%; đại biểu nữ khoảng 35%.