Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Một ngày trên phá Tam Giang

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Được mệnh danh là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được quy hoạch thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở khu vực và trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia”.

IMG_6558.JPG

Dọc dài Tam Giang - Cầu Hai

Sáng sớm một ngày đầu tháng 3 âm lịch, trời chuyển rét nàng Bân, khắp địa bàn Thừa Thiên -Huế có mưa rào nhẹ, lão ngư phủ “về hưu” Trần Chộ (86 tuổi, trú thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) ngồi nép mình trong cái lán nhỏ dưới tán cây, chăm chú dõi theo những chiếc ghe, thuyền của ngư dân đi đánh bắt trên phá Tam Giang cập bến, mang theo những giỏ tôm, cua, cá còn tươi rói về khu chợ nổi trên phá.

Nhìn những chiếc ghe ngược xuôi ở khu chợ nổi, ông Chộ bồi hồi nhớ về những tháng ngày lênh đênh trên phá, dọc dài con nước Tam Giang - Cầu Hai, từ cửa biển Thuận An ghé lên vùng Cửa Lác (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) hay xuôi về đầm Cầu Hai (huyện Phú Lộc) để đánh bắt cá, tôm. 

Tuổi xế chiều, đôi tay không còn đủ lực chèo ghe, ông buông mái chèo lên bờ, nhường công việc khai thác nguồn lợi thuỷ, hải sản trên đầm phá cho con, cháu mưu sinh.

DJI_0068.JPG
Buổi sáng bên phá Tam Giang.

“Quê tôi ở vùng cửa biển Thuận An, từ bao đời sống lênh đênh trên sông nước, cả gia đình quây quần trên chiếc thuyền nhỏ, cứ nghe vùng nào tôm, cá nhiều là xuôi dòng đến đánh bắt, bán lấy tiền mua gạo, mắm, muối.

Hơn 40 năm trước, chúng tôi đến làng chài Ngư Mỹ Thạnh này rồi bén duyên, sau được Nhà nước đưa lên bờ ổn định cuộc sống. Ngư Mỹ Thạnh hiện là một trong những làng chài có số lượng ghe, thuyền làm nghề trên phá Tam Giang nhiều nhất tỉnh”, ông Chộ kể.

Được biết, làng chài Ngư Mỹ Thạnh xưa có tên là làng Mỹ Thạnh, hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, làng là nơi sinh sống của những hộ dân trên bờ, chuyên sản xuất nông nghiệp.

Về sau, một số dân chài ở vùng Phú Vang, Phú Lộc đến đánh bắt mưu sinh, thấy nơi đây đầm phá nhiều tôm, cá, thuận lợi làm ăn nên ở lại, lâu dần sống quần tụ với dân trên bờ thành một vạn đò, gọi là vạn Mỹ Thạnh.

Dân vạn Mỹ Thạnh đa phần sinh sống bằng nghề sông nước, đánh bắt cá, tôm trên phá Tam Giang, mọi sinh hoặt, ăn ở đều diễn ra trên đò, ngày đi đánh bắt, tối mới về bờ neo đò ghe nghỉ ngơi. Năm 1990, chính quyền xã Quảng Lợi đã vận động đưa dân lên bờ làm nhà định cư và chính thức đặt tên làng là Ngư Mỹ Thạnh.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, phần lớn người dân các thôn Ngư Mỹ Thạnh, Hà Công, Cự Lại vẫn sống bằng nghề chài lưới. Cứ vào mỗi buổi chiều tối, dân làng lại lên đò ra phá đánh bắt cá tôm. Cuộc mưu sinh kéo dài từ đêm đến khoảng 4h sáng.

Theo ông Bảo, toàn xã có khoảng 210 đò máy loại trên 15CV và 280 chiếc từ 5CV, chuyên nghề đánh bắt, khai thác nguồn lợi trên phá Tam Giang, tạo sinh kế ổn định.

Nếu như chợ nổi Tam Giang ở làng Ngư Mỹ Thạnh thường họp từ khoảng 4h - 8h sáng hàng ngày, thì chợ thuỷ, hải sản Đồi 30 ở thôn Trung Chánh (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) bên bờ đầm Cầu Hai lại chỉ họp khoảng 2 tiếng, từ 23h30 đêm hôm trước đến khoảng 2h sáng hôm sau.

Chợ này trước đây là nơi giao thương chủ yếu của cư dân thuỷ điện, sống lênh đênh trên đầm Cầu Hai và khu vực hạ lưu sông Truồi. Sau khi người dân được Nhà nước đưa lên bờ định cư, họ vẫn tiếp tục hành nghề cũ. 

Chiều tối hàng ngày, người dân Trung Chánh cho ghe, thuyền xuất bến ra vùng đầm phá bủa lưới, thả ngư cụ đánh bắt thuỷ sản. Đến khoảng 23h sẽ thu lưới và đem tôm, cá vào chợ Đồi 30 bán cho tiểu thương, thương lái.

Ông Trần Thanh Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho biết, chợ cá Đồi 30 không chỉ là nơi buôn bán của người dân trong xã mà những người làm nghề khai thác thuỷ, hải sản ở các xã lân cận, thậm chí cả huyện Phú Vang cũng đem tôm, cá về đây bán cho thương lái. Hàng đêm, hàng chục tấn tôm, cua, cá... được trao đổi, mua bán tại chợ Đồi 30.

DJI_0085.JPG
Làng Ngư Mỹ Thạnh bên phá Tam Giang. 

Khai phá thế mạnh du lịch

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền có khoảng 300.000 cư dân sinh sống. Phần lớn người dân lấy nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm phá để mưu sinh.

Tại một số khu vực, người dân bắt đầu khai phá tiềm năng của Tam Giang, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo trên đầm phá để phục vụ du khách.

Chị Lương Thị Hiền, (quê Thanh Hóa), theo học ngành du lịch và làm việc tại Đà Nẵng rồi bén duyên, theo chồng về làm dâu làng chài Ngư Mỹ Thạnh bên phá Tam Giang. Với chuyên môn được đào tạo, chị nhanh chóng nhận ra tiềm năng quê chồng, bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Cùng nhiều phụ nữ trong làng, chị Hiền mạnh dạn đầu tư xây dựng dự án “Tổ du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh” với những hoạt động mang tính biểu diễn phục vụ du khách, dùng thuyền đánh bắt tôm, cá chuyên chở khách tham quan, ngắm cảnh đầm phá, tổ chức nấu ăn theo yêu cầu…

TGDL.JPG
Người dân từng bước khai phá tiềm năng, phát triển du lịch trên đầm phá.

Mô hình của chị Lương Thị Hiền đã thành Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng xã Quảng Lợi, có 42 thành viên, đa số là ngư dân vốn chỉ quen việc bủa lưới, đổ nò bắt cá.

Hoạt động của Hợp tác xã cũng được mở rộng, từ trải nghiệm trên phá Tam Giang cùng chợ Nổi, làm ngư dân, chèo thuyền SUP, tham quan khu rừng ngập mặn trên phá Tam Giang, làng Bích Họa, đến làm nông dân, tham gia trồng rau xanh trên những cánh đồng rộng lớn bên phá. 

Các hoạt động du lịch trải nghiệm được tổ chức theo nhu cầu, không chỉ được ngắm nhìn, du khách còn được khám phá về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân địa phương. 

Đặc biệt, du khách còn được tự tay chế biến các món ăn đặc sản của vùng đầm phá. Nhờ hoạt động du lịch trải nghiệm này mà vào mùa hè, mỗi ngày các thành viên có thu nhập bình quân 300.000 đồng.

Để phát huy tiềm năng vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, năm 2023, Thừa Thiên - Huế thông qua đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”. Phạm vi không gian thực hiện đề án gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc thành phố Huế và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.

Đề án xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á; phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành công viên đầm phá Quốc gia có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó xác định phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có chiều dài hơn 70km, diện tích mặt nước 22.000ha, là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hệ đầm phá này có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế; đối với nông nghiệp và thủy sản giúp duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời là vùng xung yếu về môi trường, nhạy cảm về sinh thái. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài, trong đó có 43 loài rong có thể dùng cho công nghiệp sản xuất hoặc làm phân bón, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị khác.

Nhiều loài tôm có giá trị thực phẩm cao như: Sú, lớt, rằn, rảo, trìa, vẹm xanh, ngao; hơn 200 loài cá, trong đó 23 loài có giá trị thương phẩm cao như các loại cá: Dầy, đối mục, dìa, mòi cờ chấm, sạo chấm, dù bạc, nâu...

 

Cao Tiến

Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5