Mức trợ cấp cho người cao tuổi hiện vẫn ở mức thấp (ảnh minh họa)
Theo đó, thông tin tại hội thảo, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Tính đến năm 2014, tuổi thọ trung bình của cả hai giới ở Việt Nam là 73,2 tuổi. Tuổi thọ tăng, quy mô hộ gia đình giảm, hiện Việt Nam đang có khoảng 30% người cao tuổi sống một mình hoặc cùng vợ/ chồng đều là người cao tuổi.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách chăm sóc người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng chính sách xã hội và người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến 80 tuổi thuộc diện nghèo, cô đơn không nơi nương tựa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều người cao tuổi có cuộc sống khó khăn do thu nhập thấp, không có khả năng chi trả các khoản phí nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe...Bên cạnh đó, mức trợ cấp 180.000 đồng/ tháng/ người như hiện nay cũng được các đại biểu đánh giá là quá thấp, chỉ bằng 21% mức sống tối thiểu và bằng 3/4 % mức sống tối thiểu về lương thực thực phẩm, rất cần được sự quan tâm của Nhà nước để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu cuộc sống thực tế, giúp đời sống người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn.