Chơi trầm, thưởng trầm và “cảm” được trầm dường như khó và “kén” người chơi hơn hết thảy bởi thưởng thú chơi này đòi hỏi sự chuyên sâu để phân biệt các loại, các thức hương cùng điều kiện tài chính không nhỏ.
Một thoáng hương trời
Nhật Bản có bộ môn thi mang tên “hương đạo”. Nói nôm na đây là bộ môn quy tụ những người “ngửi” mùi hương trầm. Trong các buổi thi phân định hương trầm ấy, bột trầm mịn được cho vào các khuôn hình dạng bông sen, đám mây hay bất cứ hình dạng gì tùy thích. Sau đó, nghệ nhân sẽ dùng một que nhang đang cháy đốm đỏ để mồi cho trầm bột bắt lửa.

Người tham dự được chia làm hai nhóm, thi nhau đoán xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm nổi tiếng. Bên cạnh sự phán đoán, người thi đấu còn phải có kiến thức văn hóa và khả năng cảm thụ mỹ học. Qua năm tháng, từ những cuộc chơi, người ta tìm đến trầm dần trở thành sự thưởng lãm thanh cao.
Từng có thời điểm theo những thợ rừng đi ngược ngàn Hoành Sơn (ranh giới tự nhiên của Quảng Bình và Hà Tĩnh) để kiếm tìm trầm và những sản vật đón tết, tôi nghiệm ra rằng để thấy được báu vật của trời ấy không phải dễ.
Còn nhớ đận cùng anh Đặng Thanh Trung, người xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lên ngang những con dốc hun hút trong ngàn Hoành Sơn.
Tôi và anh đã lần mò đi trong rừng suốt hai ngày, ấy nhưng bóng dáng trầm vẫn biệt tăm. Để đỡ phải về tay trắng, chúng tôi đành lượm lặt về những đọt lá dong, lá chuối rừng và mấy nhành mai. Anh bảo, không thấy trầm, âu đó cũng là cái duyên bởi nếu trầm dễ kiếm tìm thì những tỷ phú, triệu phú chắc phải nhiều nhan nhản.
Hà Nội bây giờ có rất nhiều cửa hàng bán trầm. Người ta có thể dễ dàng mua các sản phẩm làm từ trầm, từ các vật dụng thờ cúng đến các loại nhang trầm, từ các phụ kiện trang sức như vòng, nhẫn… đến đồ lưu niệm là các bức tượng trầm với đủ kiểu dáng.
Có người chỉ thích gắn một cục trầm nhỏ vào móc khóa hoặc bỏ vào ví một miếng nhỏ, đi đâu cũng mang theo với mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Nhiều gia đình có điều kiện thường “săn” loại trầm cục nguyên khối, cất trong nhà như vật gia bảo. Chơi nghệ thuật hơn thì có trầm tiểu cảnh, non bộ, gốc trầm cảnh…
Từ những khúc trầm gốc, người ta có thể ghép thêm những mảnh nhỏ hoặc chế tác thêm vân cho đẹp, nhìn bắt mắt… giống như gỗ mỹ nghệ. Dân sành chơi loại này cho rằng ngoài chất lượng, khối lượng, trầm tiểu cảnh còn phải đẹp, có ý nghĩa, để trong nhà vừa tốt về phong thủy, vừa có tính trang trí.
Với nhiều người, việc “chơi” trầm là vậy nhưng với riêng tôi, trầm có mùi hương riêng khác. Hương trầm là thức hương vị của đoàn viên theo nghĩa tâm linh thiêng liêng và thanh khiết nhất.
Mùi hương của trầm giúp cố kết và đoàn tụ cháu con, nghênh đón tổ tiên về trong dăm ba ngày tết. Thế nên với những kiếp tha phương, mùi trầm lại càng da diết đến vô cùng với bao nỗi khát khao đoàn viên.
Phiêu trong cõi nhớ

Theo chia sẻ từ những người đam mê trầm, đa số mọi người nhầm lẫn và cho rằng trầm hương là tên một loại cây. Kỳ thực không phải vậy, bởi trầm hương và kỳ nam thực chất là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm được sinh ra từ thân cây dó bầu, mọc nhiều trong những cánh rừng già.
Trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây dó bầu có thể bị mối mọt, côn trùng sâu hại ăn thân. Mưa to gió lớn hay những tác động của tự nhiên tạo ra những vết thương trên thân cây. Những vết thương đó đọng nước qua mùa mưa, cây dó bị tổn thương rồi mới bắt đầu tiết ra chất nhựa bao quanh vết thương để kháng cự sự nhiễm hoại từ bên ngoài.
Trải qua hàng chục đến hàng trăm năm, dưới linh khí trời đất tẩm bổ, các tế bào gỗ chuyển hóa dần thành màu nâu sáng, xám, chàm, đen với nhiều kết cấu dẻo, cứng khác nhau; cùng những vân dầu rất riêng trên phần gỗ trầm đều là do chất dầu đọng lại dần biến tính mà thành. Trầm lâu năm sẽ có mùi hương rõ và đậm hơn.
Ngoài ra, không ít người rỉ tai nhau, cây dó bầu nào cũng sinh ra trầm. Nhưng sự thật không phải vậy. Trong rừng tự nhiên, ước tính trong 1.000 đến 1.500 cây dó bầu may ra mới có một cây tạo trầm. Chính bởi sự thiên tạo khó khăn nên trầm hương luôn đắt và được săn lùng.
Theo anh Phạm Văn Ngọc, Giám đốc kinh doanh Trầm Tuệ - cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh những mặt hàng từ trầm, trong bối cảnh thị trường tràn ngập hương hóa chất, Trầm Tuệ quyết tâm đầu tư vào vùng nguyên liệu, nghiên cứu về giống cây dó bầu cũng như đầu tư vào kỹ thuật và công nghệ tạo trầm tự nhiên.
Tuy nhiên, do vòng đời sản phẩm từ khi là cây con đến khi đủ tuổi khai thác trầm thì ít nhất cần khoảng 15 năm, tỷ lệ cho trầm là 1%. Nghĩa là 100kg cây khai thác mới lấy được 1kg trầm nên việc sản xuất đại trà với số lượng lớn hương trầm nguyên chất là rất khó.
Trong câu chuyện về trầm, anh Phạm Văn Ngọc cho biết, thấy rõ được tác hại từ nhang “tẩm” hóa chất nên ước nguyện của Trầm Tuệ từ khi khởi nghiệp là "thay một nén hương hóa chất bằng một nén hương trầm sạch".
Cây hương khi thắp sẽ cháy đến tận chân hương, mùi thơm dịu mà không hề có tính độc hại với sức khỏe. Hướng đi của Trầm Tuệ là đúng đắn bởi nó trả lại thứ hương thơm thuần nhất, thiện lành cho trầm hương và sức khỏe con người.
Vùng đất học Nam Định người dân vẫn tự hào bởi truyền thống khoa bảng, mỗi năm sản sinh ra hàng chục cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ. Có truyền thống là vậy nên cứ độ 23 tháng chạp, ngày cúng đưa ông Táo lên trời, trong nhà ngoài ngõ lại tấp nập chuẩn bị cho tết.
Hàng xóm ghé thăm nhau và còn có cả những người con phương trưởng có gốc tích từ làng tìm về thăm thầy hoặc thắp hương cho từ đường dòng họ.
Những khi ấy, tôi lại thấy phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương trầm. Mùi hương ấy trở thành tín hiệu báo cho mọi người rằng tết đã cận kề. Đến chiều ba mươi tết, khi nhà nhà nghi ngút khói hương trong lễ cúng đón rước tổ tiên, mùi hương trầm càng dâng lên, lan rộng... Từ lúc đó trở đi, hương trầm được thắp liên tục trong ba ngày tết.
Tôi nhớ cha. Hồi những ngày cha còn, tết khi ấy thật vui. Những chiều ba mươi tết, cha khăn áo chỉnh tề, bưng mâm cỗ cúng trịnh trọng dâng lên bàn thờ, thắp hương. Không biết cha khấn những gì, chỉ biết người đứng chắp tay rất lâu, nét mặt nghiêm trang. Khi ấy, khói hương lẩn khuất, mùi hương thơm dìu dịu bay khắp nhà.
Sau này, có lần cha bảo với tôi rằng khi thắp trầm là lúc nhà ta chính thức ăn tết, phải mời ông bà, tổ tiên về đoàn viên với gia đình, con cháu, để tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Làm người thì không được quên nguồn cội…
Quanh năm suốt tháng tất bật với những lo toan bộn bề của cuộc sống, chẳng mấy khi có thời giờ mà ngẫm ngợi, nhớ nhung. Cho nên ngày cuối năm, khói hương trên bàn thờ khiến hồn tôi lắng lại, cho tôi được sống với những kỷ niệm êm đềm, những yêu thương ấm áp. Bao nhiêu ưu tư, phiền muộn bỗng tan biến hết. Nhờ hương trầm mà lòng tôi như trẻ lại, nhẹ nhõm, thanh thản.
Trầm hương có mặt trong rất nhiều hoạt động có giá trị của người xưa từ tâm linh, tín ngưỡng đến văn hóa, chính trị, nghệ thuật, y dược học… Ngày nay, trầm càng trở nên giá trị, người chơi trầm cũng nhiều, có người thích trầm phong thủy, trầm trang sức; người lại thích trầm lấy hương. Dù sở thích, thú chơi khác nhau nhưng ngày xuân, hễ trong nhà thoang thoảng hương trầm hẳn ai nấy sẽ thấy và tìm được sự an yên, thấy được mùa xuân mới ấm áp, hạnh phúc đang về. |
Hà Thành
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ