Sẽ thi tuyển riêng hoặc tham gia nhóm thi tuyển chung
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Bùi Quốc Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: "Đây là việc trọng đại quốc gia, ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và sự phát triển của đất nước, tính công bằng, minh bạch và niềm tin của dân chúng và Chính phủ nên phải hết sức thận trọng. Các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của học sinh, thí sinh. Không nên quá coi trọng quyền lợi của các trường hay của Sở".
Theo PGS Triệu, nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT quốc gia thì trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tổ chức xét tuyển như các năm trước. Nếu tinh giản kiến thức cũng không sao vì đề khó hay dễ vẫn là thi chung. Còn nếu không thi, trường sẽ thi tuyển riêng hoặc tham gia nhóm thi tuyển chung/nếu có. Tuy nhiên, phương án vẫn tổ chức thi THPT quốc gia là tốt nhất.
Ông Triệu cho hay, trường cũng đã có đề án tuyển sinh riêng từ năm 2017, tương tự như trường ĐH Bách khoa HN, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ thi 1 bài Kiến thức tổng hợp và môn tiếng Anh và thực hiện sơ tuyển.
Theo đó, phương án thi sẽ tổ chức tuyển sinh 2 kỳ/năm, kỳ mùa Xuân và kỳ mùa Thu. Với môn thi tiếng Anh có thể chỉ là môn điều kiện, không tính vào điểm xét tuyển. Bài thi Kiến thức tổng hợp dùng để xét tuyển.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, trường hợp vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì Nhà trường sẽ xác định lại các tổ hợp xét tuyển trên cơ sở các môn thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, với một số môn học cần thiết xét tuyển cho các ngành và chuyên ngành đào tạo mà không có trong danh mục các môn thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ căn cứ kết quả học tập môn học đó trong học bạ THPT của thí sinh.
Trường hợp không có kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả học tập THPT của thí sinh để xét tuyển theo các tổ hợp xét tuyển phù hợp. GS Sơn cho rằng, đây có thể được coi là phương án khả dĩ nhất có thể trong bối cảnh diến biến đại dịch Covid vẫn tiếp tục phức tạp.
Cũng không loại trừ một phương án nữa có thể đặt ra là quay lại phương thức thi 3 chung như trước kia đã từng tổ chức. Hoặc các trường đại học có cùng khối ngành đào tạo có thể hợp tác tổ chức một kỳ thi chung với nhau...
Với trường ĐH ngoài công lập, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân cho biết, nếu kỳ thi quốc gia không được tổ chức mà chỉ công nhận tốt nghiệp thì trường sẽ theo 3 hướng: sử dụng kết quả công nhận THPT (điểm tổng kết cuối cùng) - sử dụng kết quả học bạ và tổ chức thi riêng.
Lúng túng trong tuyển sinh
Còn theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp, nếu dịch bênh Covid-19 tiếp tục kéo dài và Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì Nhà trường sẽ thay đổi một số phương thức xét tuyển, bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, song chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước.
Thứ hai, bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các Trường/Nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng.
Nếu năm nay Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT theo kế hoạch thì công tác tuyển sinh của các trường top trung bình và top dưới sẽ bị xáo trộn rất mạnh do sự canh tranh không bình đẳng giữa các trường. Vì vậy, Trường Đại học Lâm nghiệp rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm quyết định về phương án xét hoặc thi tốt nghiệp THPT để các trường có thể xác định được các giải pháp sớm và phù hợp nhất".
Trao đổi với báo Người lao động, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường ĐH vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hằng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường ĐH sẽ lúng túng. Chuyên gia này nói thêm không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng. "Làm được một bộ đề thi riêng rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề thì hệ lụy sẽ khó lường" - ông Ngọc nhận định. Cũng theo ông Ngọc, trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường ĐH có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.
PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, nếu không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển ĐH năm nay. Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có thể giao cho cụm trường (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM) hay một số trường tốp trên đủ điều kiện tổ chức thi riêng. Các trường tốp dưới có thể đăng ký tham gia hoặc lấy kết quả thi của các cụm trường để xét tuyển. Vì thực tế hiện nay, các trường đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển học bạ gồm năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 khá phổ biến.
TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng có chung quan điểm này. Bà cho rằng trong điều kiện tốt nhất, việc tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho HS lớp 12 cũng như các cơ sở giáo dục ĐH. Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi mà có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục THPT cho HS thì các trường ĐH sẽ phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến thí sinh.