Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả ở Quảng Ninh

(Dân sinh) - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có việc làm và ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả ở Quảng Ninh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, trong Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn và phối hợp với các địa phương tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc ổn định sau khi kết thúc khóa học; Đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm có hiệu quả; Đào tạo và hỗ trợ lao động tự tạo việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương, như: Lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình “ Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP); Nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình giảm nghèo (Chương trình 135, Đề án 196) và các chương trình, đề án khác; Lao động nông thôn làm kỹ thuật nông nghiệp, làm nghề nông nghiệp có yêu cầu trình độ kỹ thuật.

Qua thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề có nhiều mô hình hiệu quả, có thể kể đến, như: Đối với các lớp đào tạo nghề nông nghiệp: Các lớp Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thủy sản II bao tiêu sản phẩm đầu ra đạt chất lượng chuẩn, với lớp Trồng rau phối hợp với Công ty Cố phần đầu tư và xây dựng Việt Long bao tiêu sản phẩm, với các lớp Tạo dáng và chăm sóc cây cảnh phối hợp với Hội sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh Quảng Ninh bao tiêu sản phẩm; HTX Nông nghiệp Hồng Hải, HTX Nông nghiệp Hà Tân bao tiêu sản phẩm trồng rau tại phường Hà Phong thành phố Hạ Long. Công ty TNHH 1 TV Nông lâm ngư nghiệp Quảng Ninh Địa chỉ: Thôn 8 xã Hải Đông nhận bao tiêu sản phẩm cho các lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm. HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An Địa chỉ: Thượng Trung, Ninh Dương bao tiêu sản phẩm cho các lớp trồng cây ăn quả; Cty TNHH Ngọc Khánh VT Địa chỉ: Khu 4 - Hải Hòa bao tiêu sản phẩm cho các lớp nuôi tôm cho thành phố Móng Cái; HTX Tứ Đại Khu 9, thị trấn Trới bao tiêu sản phẩm cho lớp trồng cây ăn quả của huyện Hoành Bồ…
Đối với các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp: Ngoài việc hỗ trợ đào tạo cho người lao động là lao động nông thôn đang làm việc tại doanh nghiệp chưa qua đào tạo nghề, đào tạo cho người lao động tham gia tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhiều họcc viên sau khi đào tạo thành lập các tổ đội xây dựng, mỗi tổ có khoảng 15-20 lao động, thu nhập bình quân từ 4~6 triệu đồng/người/tháng. Các lớp về du lịch và dịch vụ đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, người học nghề sau khi tốt nghiệp các lớp nấu ăn đã có việc làm: tự mở quán ăn, thành lập các Tổ nấu ăn phục vụ cho việc hiếu, hỷ, hội nghị, nấu ăn cho các lớp bán trú tại các trường mầm non, tiểu học, đáp ứng nhân lực cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, mức lương từ 5-10 triệu thồng/tháng.
Công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh trong 10 năm qua: Đã tổ chức 23 chương trình Hội chợ, phiên chợ, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước nhằm giúp các tổ chức sản xuất, kinh doanh tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; kết nối với Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam thỏa thuận hợp tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.Thông qua các Hội chợ, Hội nghị, hội thảo đã giúp các đơn vị trong tỉnh quảng bá được thương hiệu sản phẩm, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Mặt khác, các đơn vị còn tiếp thu ý kiến tham gia trực tiếp về mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm từ đó đáp ứng thị hiếu thị trường tốt hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nông thôn (thể hiện rõ nhất qua các kỳ Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh đã thu hút được trên 120.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh với doanh thu gần 20 tỷ/kỳ Hội chợ. Các tỉnh ngoài đến tham dự ngày một đông hơn (kỳ đầu tiên từ 5-10 tỉnh tham dự, đến 6 tháng đầu năm 2019 đã có 42 tỉnh, thành phố tham dự, có rất nhiều tỉnh tham dự 7 lần Hội chợ tại Quảng Ninh). Hiện số sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh có mặt tại 63 tỉnh như ruốc hàu, ruốc cơ trai, chè Hoa Vàng...
Có thể nói, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người lao động tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm mới, tăng số lao động được giải quyết việc làm hằng năm, trung bình hằng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 18.000 - 19.000 lao động. Góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2015 và đến 2020 trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo 3,48 % năm 2010, giảm xuống còn 3,39% năm 2016 và đến cuối năm 2019 còn 0,52%. Và phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 0,4%./.